Dự thảo Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt. Trong đó, cơ quan này đề xuất một số quy định cụ thể về thanh toán bằng tiền mặt đối với các tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước và các tổ chức sử dụng vốn Nhà nước; giao dịch chứng khoán; giao dịch tài chính của doanh nghiệp…

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đề xuất, các tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính; các tổ chức sử dụng vốn Nhà nước thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

 

 

Quy định này về cơ bản kế thừa Nghị định số 161/2006/NĐ-CP hiện đang được áp dụng.

Giao dịch chứng khoán không thanh toán bằng tiền mặt

Ngân hàng Nhà nước đề xuất, tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán.

Đồng thời, các tổ chức không thanh toán bằng tiền mặt với nhau trong các giao dịch mua bán chứng khoán chưa qua Sở giao dịch chứng khoán.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực tế hiện nay, đối với các giao dịch thanh toán chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán phần lớn đều đã thực hiện thanh toán qua ngân hàng (người tham gia giao dịch chứng khoán phải mở tài khoản tại ngân hàng để giao dịch). Đồng thời, các giao dịch chứng khoán chủ yếu diễn ra ở những thành phố, khu vực có hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng được yêu cầu.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất: Các tổ chức không thanh toán bằng tiền mặt với cá nhân trong những giao dịch mua bán chứng khoán chưa qua Sở giao dịch chứng khoán vượt hạn mức theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là quy định mở để cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể khi điều kiện cho phép.

 

Theo dự thảo, Nhà nước thực hiện chủ trương giảm thanh toán bằng tiền mặt để tiết kiệm chi phí xã hội liên quan đến sử dụng tiền mặt; giảm thiểu rủi ro do thanh toán bằng tiền mặt; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn; góp phần cải thiện tính minh bạch trong các hoạt động kinh tế.

Đồng thời, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt đối với một số đối tượng, một số lĩnh vực cần thiết với lộ trình thích hợp theo chủ trương của Nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan.

Góp vốn không thanh toán bằng tiền mặt

Theo dự thảo, đối với giao dịch tài chính của doanh nghiệp, trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt; các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.

Đối với các khoản giao dịch tài chính khác, Ngân hàng Nhà nước đề xuất, các doanh nghiệp thực hiện thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính.

Đối với giải ngân vốn cho vay, theo dự thảo, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện việc giải ngân vốn cho vay bằng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trực tiếp cho người thụ hưởng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Phí dịch vụ tiền mặt

Theo dự thảo, Ngân hàng Nhà nước ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt đối với khách hàng của mình. Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế xác định phí dịch vụ tiền mặt của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt đối với khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và niêm yết công khai theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, về việc rút tiền mặt với giá trị lớn, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước được thỏa thuận với khách hàng về việc rút tiền mặt với giá trị lớn và việc khách hàng thông báo trước khi rút tiền.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đề xuất bổ sung thêm quy định Ngân hàng Nhà nước ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt đối với khách hàng của mình nhằm hạn chế việc sử dụng tiền mặt.

Hoàng Diên (Theo Chinhphu)

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.