Du lịch trên hồ Lak

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hồ Lak là hồ nước ngọt tự nhiên rộng nhất Tây Nguyên, là niềm tự hào của người dân thị trấn Liên Sơn và các xã ven hồ của huyện Lak (tỉnh Đak Lak).

Hồ Lak có diện tích hơn 600 ha được tiếp nước đầy đặn từ thượng nguồn dòng sông lớn Krông Ana chảy qua. Núi liền núi vây quanh hồ rộng thanh thản từ bao đời đã làm nên cảnh quan xanh hữu tình với những buôn làng người dân tộc bản địa Mnông tọa lạc ven bờ.

 

Chiều trên hồ Lak. Ảnh internet
Chiều trên hồ Lak. Ảnh internet

Huyện Lak mang tên hồ Lak, mấy mươi năm qua thay màu sự sống tốt tươi với ruộng lúa nước tại các xã Yang Tao, Bông Drang, Đak Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết và vườn cây công nghiệp cà phê, hồ tiêu tại các xã Đak Phơi, Đak Nuê, Nam Kar, Krông Knô... Đáng nói là còn có sự đóng góp tích cực của hồ Lak mênh mông giữa 4 bề núi non xanh với sự hiện diện trang nhã của các khu du lịch sinh thái văn hóa tọa lạc kề cạnh bờ hồ.

Quanh năm 4 mùa xuân hạ thu đông đều có khách du lịch từ các nơi trong nước, ngoài nước đến thăm thú và ở lại qua đêm, nhất là dịp Tết, dịp hè và những đêm trăng sáng. Còn gì thú vị, thanh thản hơn khi trong nắng mai, trong chiều vàng lan tỏa óng ánh mặt nước hồ đầy, du khách đôi ba người ngồi trên chiếc thuyền độc mộc của người Mnông dạo quanh hồ Lak, đưa mắt ngắm nhìn hàng cây kơnia xanh, hoa sen trắng, hoa sen hồng ven bờ và mái nhà biệt điện Bảo Đại trên đồi cao. Nếu thích, ta còn có thể ngồi trên lưng voi lội nước dọc bờ hồ và quanh vùng đồi thị trấn Liên Sơn.

Sau khi tham quan biệt điện Bảo Đại trên đồi cao với những cây hoa sứ gần trăm năm tuổi, ngồi thuyền độc mộc dạo quanh hồ rộng, ngắm cảnh núi non xanh, mái chèo trên tay người Mnông còn đưa đẩy con thuyền đến cửa hồ Lak bên buôn M’Liêng, nơi dòng sông Krông Ana đưa nước vào hồ... Du khách cũng sẽ hài lòng khi thưởng thức những món ăn ngon có được từ hồ Lak: cá bống kho khô, chả cá thác lác nấu canh chua... Đêm đến, trước khi nghỉ ngơi trên căn nhà sàn Mnông sạch đẹp, du khách đi theo đoàn còn có thể thưởng thức âm nhạc cồng chiêng với những nghệ nhân biểu diễn bên đống lửa ấm áp. 


Hồ Lak, hồ nước ngọt tự nhiên được bàn tay tạo hóa làm nên, một bên là dòng sông dài KrôngAna đưa nước vào thung lũng rộng vòng quanh chân núi, một bên là dãy núi cao của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tạo thêm cảnh trí sắc màu nước non. Từ thuở nào xa rất xa, qua bao cuộc bể dâu thăng trầm lịch sử, hồ Lak vẫn đầy đặn với mặt nước phẳng lặng như gương.

Qua từng mùa mưa mùa nắng Tây Nguyên, hồ Lak-ngoài ưu thế du lịch nổi trội của miền núi cao nguyên-còn là nguồn nước làm nên hệ thống thủy lợi cho ruộng đồng lúa nước 2, 3 vụ/năm và tắm tưới vườn cây công nghiệp cà phê, hồ tiêu... Huyện mang tên hồ, tháng ngày đổi thay thêm sắc màu sự sống, đã xóa hẳn vẻ lặng lẽ tiêu điều của mấy mươi năm trước. “Du lịch hồ Lak”, đó là cái tên đã ghi vào sổ tay của những người yêu du lịch sinh thái văn hóa, cái tên đã và đang là thực tế sinh động góp phần phát triển đời sống huyện Lak, cả về vật chất và tinh thần.

Người viết bài này đã bao lần cùng bạn bè đến với hồ Lak, một lần đến để thêm một lần dừng chân trước hồ rộng mênh mông, ngơ ngẩn ngắm nhìn bến nước Eo Đờn bên sông đang tỏa đầy cành lá bằng lăng với màu hoa tím... Chiều ấy, trên quốc lộ 27 từ thị trấn Liên Sơn trở về TP. Buôn Ma Thuột, qua đèo, qua sông, qua đồng lúa, từng đoạn đường dài dưới nắng hoàng hôn lan tỏa, tôi nghe lòng mình đọng đầy cảm xúc tốt đẹp, an lành khi nghĩ đến hồ Lak mênh mông nước, gờn gợn sóng mùa đông với những thuyền gần thuyền xa đưa khách rong chơi, hòa lòng mình vào cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng hữu tình...

Nguyễn Hoàng Thu

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.