Dòng tiền nhàn rỗi “trú ẩn” ngân hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tính đến cuối tháng 6-2023, nếu tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai chỉ ở mức 2% thì huy động vốn tăng tới 7,5% so với thời điểm cuối năm 2022. Điều đó cho thấy nhu cầu tín dụng vẫn đang ở mức thấp, trong khi kênh huy động vốn của ngân hàng vẫn “hút” mạnh dòng tiền nhàn rỗi.

Tăng trưởng huy động vốn đang cao hơn tăng trưởng tín dụng là tình hình chung của toàn ngành Ngân hàng. Theo ghi nhận, hầu hết các chi nhánh ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank tiếp tục dẫn đầu thị phần huy động vốn với mức tăng cao nhất đạt hơn 690 tỷ đồng và tăng thấp nhất là 220 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2022. Còn ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, mặc dù số tăng khiêm tốn hơn nhưng nguồn vốn huy động, khả năng thanh khoản vẫn đang rất dồi dào ở các chi nhánh như: SHB, ACB, Sacombank, LPBank...

Ước tính đến cuối tháng 6-2023, tổng nguồn vốn huy động toàn ngành Ngân hàng tỉnh đạt 58.100 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 7,5% so với cuối năm 2022. Trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 4.100 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng nguồn vốn huy động, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 0,3% so với cuối năm 2022. Phân theo cơ cấu tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm là 40.200 tỷ đồng, chiếm 69,2% tổng nguồn vốn huy động, tăng 10,9% so với cuối năm 2022.

Mặt bằng lãi suất huy động vốn tại địa phương đang áp dụng phổ biến ở mức 0,1-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; 0,2-0,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng (giảm 0,5% so với đầu năm); 5,4-8,9%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng (giảm 0,4% so với đầu năm); 6,7-9,2%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên (giảm 0,5% so với đầu năm).

Lãi suất huy động vốn dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao so với các năm trước. Ảnh: Sơn Ca

Lãi suất huy động vốn dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao so với các năm trước. Ảnh: Sơn Ca

Một trong những yếu tố khiến kênh huy động vốn ngân hàng thu hút mạnh dòng tiền nhàn rỗi chính là lãi suất. So với thời điểm cuộc đua lãi suất huy động liên tục được đẩy lên cao vào những tháng cuối năm 2022 thì hiện mặt bằng lãi suất huy động tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao so với các năm trước. Đơn cử như lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng được điều chỉnh tăng 2 lần vào cuối năm 2022, mỗi lần tăng 1%. Sau các đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động trong năm 2023, mỗi lần giảm 0,5% thì mức lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn này hiện vẫn cao hơn so với thời điểm trước khi tăng mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Dự-Giám đốc Agribank Gia Lai-cho rằng: “So với các năm trước, mặt bằng lãi suất huy động vốn vẫn đang ở mức khá tốt. Đây là yếu tố quan trọng để người dân cân nhắc lựa chọn gửi tiền đầu tư vào kênh huy động vốn của ngân hàng, nhất là trong bối cảnh môi trường đầu tư, cơ hội đầu tư ở các ngành, lĩnh vực kinh tế khác đang không còn hấp dẫn, khả năng sinh lời giảm mà rủi ro lại tăng cao”.

Ở góc độ khác, dòng tiền nhàn rỗi chảy vào kênh tiền gửi tiết kiệm tăng 10,9% so với năm 2022 cho thấy, xu hướng bảo toàn vốn và lựa chọn kênh đầu tư trú ẩn tạm thời là giải pháp hiện hữu. Ông Trần Anh Thắng-Phó Giám đốc Vietcombank Bắc Gia Lai-phân tích: “Trong 2 quý đầu năm nay có nhiều yếu tố tác động đến tăng trưởng huy động vốn ngân hàng. Đơn cử như thị trường bất động sản trầm lắng, tình hình kinh tế khó khăn nên người dân, doanh nghiệp không đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này góp phần thúc đẩy dòng tiền nhàn rỗi dịch chuyển vào kênh huy động ngân hàng trong thời gian ngắn để chờ cơ hội”.

Nguồn vốn nhàn rỗi ở thị trường nông nghiệp nông thôn vẫn tiếp tục chảy về kênh huy động vốn ngân hàng. Ảnh: Sơn Ca

Nguồn vốn nhàn rỗi ở thị trường nông nghiệp nông thôn vẫn tiếp tục chảy về kênh huy động vốn ngân hàng. Ảnh: Sơn Ca

Theo quy luật, quý III và IV là thời điểm thuận lợi để tín dụng bật tăng trở lại. Trong bối cảnh nguồn vốn huy động tăng trưởng tích cực, khả năng thanh khoản dồi dào, vấn đề tăng trưởng tín dụng lành mạnh vừa là mục tiêu, vừa là áp lực đối với các chi nhánh ngân hàng thương mại.

Ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-cho biết: “Với tình hình hoạt động ngân hàng hiện nay, nhiều khả năng huy động vốn đến cuối năm sẽ đạt mức tăng 10-13% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong 6 tháng cuối năm, ngành Ngân hàng tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm là tăng trưởng tín dụng gắn với mục tiêu định hướng tăng 5%, hỗ trợ phục hồi phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng phải lành mạnh, đi đôi với kiểm soát chất lượng và hiệu quả”.

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.