Động lực đột phá thúc đẩy 'đầu tàu' Tây Nguyên tăng tốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Để xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên giai đoạn 2020-2030 và định hướng đến năm 2045 xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trực thuộc Trung ương cần nguồn lực rất lớn.
Chưa như kỳ vọng
Theo báo cáo của tỉnh uỷ Đắk Lắk, sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 60 của Bộ Chính trị, TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Đắk Lắk. Kinh tế - xã hội có bước phát triển ở mức khá, cơ bản đạt các chỉ tiêu đề ra; tổng sản phẩm tăng bình quân là 13,89%/năm; công nghiệp - xây dựng - thương mại - dịch vụ giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế và chuyển dịch theo hướng tiến bộ; thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể.
Đánh giá cao những thành quả sau 10 năm thực hiện Kết luận 60 của Bộ Chính trị, mà Buôn Ma Thuột đã đạt được, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế trung ương - cho rằng, việc phát huy lợi thế, tiềm năng là trung tâm vùng Tây Nguyên còn chậm.
 
Sự phát triển của Buôn Ma Thuột còn chậm
Theo ông Bình, Buôn Ma Thuột chưa thực sự trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên ngoài nguyên nhân xuất phát điểm rất thấp, còn do không có giải pháp, kế hoạch cụ thể từ địa phương đến trung ương. Những hỗ trợ từ trung ương về cơ chế chính sách, tài khóa, vật lực không rõ nét; tỉnh Đắk Lắk thì chưa năng động, quyết liệt.
Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại. Kinh tế phát triển chưa thật sự vững chắc, quy mô chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thành phố; chất lượng và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp. Một số định hướng phát triển Thành phố chưa được triển khai thực hiện theo Kết luận 60-KL/TW.
Nhiều dự án lớn chưa được triển khai hoặc triển khai thực hiện còn kéo dài do thiếu nguồn lực thực hiện; thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, đầu tư trực tiếp nước ngoài rất khiêm tốn, hạ tầng giao thông kỹ thuật còn chưa phát triển đồng bộ.
Một số lĩnh vực văn hóa, thể thao, khoa học - công nghệ, giao thông, công nghiệp... chưa thể hiện rõ nét, đi đầu so với các thành phố trong vùng Tây Nguyên. Thu ngân sách Nhà nước chưa thật sự bền vững, còn phụ thuộc vào nguồn thu từ đất; chi thường xuyên còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi ngân sách của Thành phố.
Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa vùng nội thành và vùng ven. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Du lịch phát triển còn chậm, phát triển văn hóa chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng của thành phố.
PGS. TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, tăng trưởng chung của TP. Buôn Ma Thuột không có gì nổi bật so với thành tích của cả tỉnh Đắk Lắk. GDP đầu người năm 2018 của Đắk Lắk có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển bậc nhất vùng Tây Nguyên đạt 41,1 triệu đồng những vẫn thấp so với mức GDP trung bình của cả nước.
Ngoài ra, ông Thiên cũng nhận định, nền công nghiệp chế biến của TP Buôn Ma Thuột chưa phát triển, điển hình cà phê tại đây vẫn chỉ là nơi trồng còn chế biến vẫn phải vận chuyển đi nơi khác. “Một mô hình trung tâm của cả vùng mà công nghiệp chế biến các sản phẩm đặc trưng vẫn không đặt ở đây. Doanh nghiệp lớn không có, công nghiệp không có, dịch vụ tăng trưởng thấp hơn vùng nông thôn là điều khó chấp nhận”, ông Thiên nhấn mạnh.
Cơ chế để bứt phá
Để xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên giai đoạn 2020-2030 và định hướng đến năm 2045 xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trực thuộc Trung ương cần nguồn lực rất lớn, với khả năng cân đối, nguồn lực của Thành phố không đảm bảo đáp ứng được nhu cầu, tỉnh uỷ Đắk Lắk kiến nghị, cần sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Trung ương và của tỉnh Đắk Lắk. Tạo điều kiện được ưu tiên và thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột.
Theo đó, tỉnh Đắk Lắk được ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương (bao gồm: Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức - ODA, trái phiếu Chính phủ, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, tín dụng ưu đãi Chính phủ, vốn trung hạn), từ đó Tỉnh bổ sung cho ngân sách thành phố Buôn Ma Thuột trong kế hoạch hàng năm và giai đoạn để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, để phát triển thành đô thị vùng Tây Nguyên theo Quyết định số 286 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Xây dựng Buôn Ma Thuột thành trung tâm của vùng
Cho phép tỉnh Đắk Lắk được thí điểm về chính sách và cơ chế ưu đãi trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột để có sức cạnh tranh thu hút các doanh nghiệp trong nhóm chính sách ưu đãi về cơ sở hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng chế biến nông sản, thực phẩm.
Ông Trần Ngọc Chính đề xuất một số giải pháp về phát triển, quản lý đô thị, cơ chế chính sách thúc đẩy sự phát triển của TP. Buôn Ma Thuột, trong đó nhấn mạnh Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk cần phải chủ động đón đầu cuộc cách mạng 4.0 với các tầm nhìn đi trước trong xây dựng cơ chế chính sách và giải pháp thích hợp để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội từ đó tạo động lực và hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ vùng Tây Nguyên. Cần phát triển theo hướng “xanh – thân thiện – bền vững – bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng – gắn kết cộng đồng – bảo đảm an ninh, quốc phòng.
PGS. TS Trần Đình Thiên nhận định, để Buôn Ma Thuột phát triển thành trung tâm vùng Tây Nguyên, phải nhanh thoát khỏi tư duy cục bộ, coi phát triển Buôn Ma Thuột là việc riêng của Đắk Lắk, chủ yếu làm giàu cho Đắk Lắk. Phải thống nhất về tầm quan trọng của việc phát triển Tây Nguyên để có cách tiếp cận phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đúng tầm, đúng cách.
“Ban Mê Thuột cần xuất phát từ lợi thế so sánh và nhu cầu thực tiễn đặt ra. Cần nghiên cứu các cơ chế chính sách đột phá để đem lại động lực phát triển cho Thành phố. TP Ban Mê Thuột phải trở thành trung tâm chế biến, thương mại, logistic, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục của vùng.
Phát triển phải theo nhu cầu của thị trường; ưu tiên thu hút đầu tư đặc biệt từ khu vực tư nhân; quá trình phát triển cần trọng tâm trọng điểm, tránh dàn trải để tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong từng thời kỳ; quy hoạch cần mang bản sắc văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên; xây dựng TP Ban Mê Thuột thành trung tâm vùng Tây Nguyên phải đặt trong tổng thể vùng Tây Nguyên với tầm nhìn về Tây Nguyên trong 10 năm tới”, ông Nguyễn Văn Bình kết luận.
Duy Anh (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.