Dù thời gian qua, hạ tầng giao thông đã phần nào tạo ra động lực cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng ĐBSCL, đặc biệt là các tuyến đường vành đai; cao tốc TP HCM - Trung Lương; cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; cầu Mỹ Thuận; cầu Cần Thơ... nhưng dường như sự quá tải ngày càng lộ rõ.
Một trong những nguyên nhân quan trọng là bởi sự gia tăng dân số cùng xu hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra chóng mặt. Trong khi đó, tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ còn chưa rõ hình hài; các tuyến đường biển, đường sông chậm đưa vào khai thác; sân bay Tân Sơn Nhất quá tải. Nhìn chung, hạ tầng giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL đang ở tình trạng chưa tương xứng tiềm năng, chưa trở thành bàn đạp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Để nâng cao năng lực hạ tầng giao thông phía Nam, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực phân bổ cho khu vực này cần được tính toán trên nhu cầu thực tế về việc kết nối, thúc đẩy kinh tế toàn vùng phát triển. Một câu chuyện nhiều lần được đặt ra bàn thảo là phần ngân sách để lại cho TP HCM là bao nhiêu để địa phương này có đồng vốn mồi đủ lớn phục vụ đầu tư, tái đầu tư? Con số cụ thể cần dựa trên tính toán nhiều chiều nhưng bảo đảm tinh thần cả nước vì miền Nam; ngược lại, miền Nam phát triển cũng góp sức tạo nguồn thu chung cho cả nước. Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cũng phải đặt ra định hướng rõ ràng cho việc tập trung giải ngân vốn cho các dự án hạ tầng nói chung, trong đó lưu ý nhất ở khu vực phía Nam bởi hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu và đang có dấu hiệu kìm hãm sự phát triển của một khu vực kinh tế sôi động.
Tuy vậy, không có nghĩa là TP HCM và các địa phương phía Nam ngồi chờ nguồn lực từ trung ương. TP HCM hoàn toàn có thể thúc đẩy thí điểm thu thuế bất động sản, nâng cao năng lực phát hành trái phiếu xây dựng hạ tầng giao thông vận tải. Các dự án đầu tư dưới hình thức đối tác công - tư cũng là một đường ra cho phát triển hạ tầng cả nước và với riêng TP HCM. Với các địa phương khác, cần xây dựng quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 căn cứ vào các quy hoạch vùng, chú trọng các tuyến hạ tầng hướng về trung tâm vùng với tư duy đan xen lợi ích thay vì chỉ quan tâm đến lợi ích địa phương mà bỏ qua lợi ích chung của vùng và quốc gia.
Về tầm chiến lược, cần một bàn tay nhạc trưởng điều phối chung trên cơ sở cân bằng lợi ích địa phương song hành với lợi ích vùng và lợi ích quốc gia. Các trục động lực TP HCM - Long An - Tiền Giang, các tuyến liên kết vùng như cao tốc Chơn Thành - Hoa Lư, cao tốc Trung Lương - Bến Tre... là những điểm nhấn quan trọng, cần được bổ sung vào quy hoạch và quan tâm đúng mức. Các dự án đã triển khai đầu tư trong giai đoạn trước nhưng chưa hoàn thành thì nên đưa vào khai thác càng sớm càng tốt.
Chỉ khi có sự chuyển động từ hai phía trung ương và địa phương thì nguồn lực mới đến được đúng chỗ, vào đúng việc, đạt được kỳ vọng về việc tạo ra động lực phát triển vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL.
TS VŨ ĐÌNH ÁNH (NLĐO)