Đón đợi đêm nhạc của "Họa mi Tây Nguyên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 19 giờ 30 phút ngày 24-4, đêm nhạc “Tiếng hát họa mi Tây Nguyên” của Đại tá-Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Rơchăm Phiang sẽ diễn ra tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku. Đây là liveshow đầu tiên của bà sau hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật và cũng là chương trình đầu tiên được tổ chức tại quê hương Gia Lai. Đến nay, với sự phối hợp, hỗ trợ từ nhiều phía, công tác chuẩn bị đang dần hoàn tất.

 Nghệ sĩ Nhân dân Rơchăm Phiang tập luyện chuẩn bị cho đêm diễn. Ảnh: Hồ Anh Tiến
Nghệ sĩ Nhân dân Rơchăm Phiang tập luyện chuẩn bị cho đêm diễn. Ảnh: Hồ Anh Tiến

Nghệ sĩ Nhân dân Rơchăm Phiang sinh trưởng tại xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ). Trong một cuộc trò chuyện, NSND Rơchăm Phiang chia sẻ rằng “Phiang” trong tiếng Jrai có nghĩa là “một tiếng kêu trong trẻo”. Được đánh giá là giọng ca hiếm có của nền thanh nhạc Việt Nam, từng tu nghiệp tại Nhạc viện Tchaicovsky (Liên bang Nga) và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành Thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, NSND Rơchăm Phiang thể hiện phong phú các thể loại âm nhạc, từ opera thính phòng đến các ca khúc cách mạng, các bài hát về Tây Nguyên.

Từ đó, “Họa mi Tây Nguyên” đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả với nhiều giải thưởng tại các cuộc thi trong nước và quốc tế. Sau hơn 40 năm cống hiến cho hoạt động nghệ thuật, ngày 29-8-2019, bà vinh dự bước lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội nhận danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ Nhân dân. Hiện bà là giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Có mặt tại Pleiku từ ngày 5-4 để trực tiếp họp bàn về công tác tổ chức liveshow, NSND Rơchăm Phiang xúc động chia sẻ: “Đây là liveshow đầu tiên, lại được tổ chức trên chính quê hương mình nên tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Ở tuổi 57, đây là một dấu ấn đáng nhớ trong đời. Xin cảm ơn mọi sự hỗ trợ của các ban, ngành, địa phương giúp tôi thực hiện được mơ ước của mình”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Ngọc Long-Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San-cho biết: Chương trình do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND TP. Pleiku và Ban Liên lạc những người tham gia cách mạng qua các thời kỳ kháng chiến tỉnh phối hợp tổ chức từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, chúng tôi xem đây là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời là sự tri ân đối với một giọng hát đã có nhiều cống hiến trong kháng chiến cũng như trong thời bình. Hiện Ban tổ chức đã thống nhất kịch bản, chuẩn bị triển khai tuyên truyền, hoàn tất market sân khấu, giấy mời đại biểu. Dự kiến chương trình có sự tham dự của 900-1.000 khách mời.

Cũng theo ông Long, khoảng 20-25 diễn viên của Nhà hát đang tích cực luyện tập múa phụ họa trong một số tiết mục của NSND Rơchăm Phiang; các thiết bị âm thanh, ánh sáng, màn hình led… được chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo cho thành công của đêm nhạc. Ngày 23-4, Ban tổ chức sẽ tổng duyệt chương trình.

Nghệ sĩ Nhân dân Rơchăm Phiang (bìa phải) trong chuyến về thăm quê ở xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ mới đây. Ảnh: Phương Duyên
Nghệ sĩ Nhân dân Rơchăm Phiang (bìa phải) trong chuyến về thăm quê ở xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ mới đây. Ảnh: Phương Duyên


Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San thông tin thêm: Bố cục chương trình nghệ thuật gồm 3 phần: Họa mi của núi rừng, Cánh chim không mỏi, Vang mãi tiếng hát từ đại ngàn. Theo đó, NSND Rơchăm Phiang sẽ thể hiện các ca khúc về cao nguyên đã gắn liền với tên tuổi của bà như: Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên, Tháng ba Tây Nguyên, Bóng cây kơ nia, Người lái đò trên sông Pô Cô, Mùa xuân Tây Nguyên, Cô gái vót chông, Cánh chim báo tin vui… Đặc biệt, bài hát Cô gái vót chông và Bóng cây kơ nia sẽ được đệm bằng các loại nhạc cụ truyền thống như t'rưng, goong.

Xen kẽ là tiết mục của các khách mời: Nghệ sĩ Ưu tú Quang Mạo-Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị (ca khúc Ngọn lửa cao nguyên); Nghệ sĩ Ưu tú Hoa Đăng-Phó Chủ nhiệm Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (độc tấu đàn t'rưng Trở về Tây Nguyên); ca sĩ Huyền Trang (ca khúc Khúc hát sông quê)… Chương trình cũng vinh dự chào đón sự góp mặt của những khách mời tên tuổi: nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân-Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh-nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Thượng tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy-Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; nhà văn Trung Trung Đỉnh; nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam…

Từ 20 giờ 15 phút, chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh. Nhà báo Nguyễn Hòa Giang-Phó Trưởng phòng Chuyên đề-Văn nghệ-Giải trí, phụ trách tổ chức sản xuất-cho hay: Đơn vị tham gia với tinh thần xã hội hóa nhằm góp phần tạo nên một đêm nhạc thành công, như món quà ý nghĩa dành tặng người dân Gia Lai yêu mến giọng ca của “họa mi núi rừng”.

“Ngay từ đầu, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh đã tham gia xây dựng kịch bản, góp ý về thời lượng, cơ cấu chương trình… Nghệ sĩ Nhân dân Rơchăm Phiang xuất thân từ vùng đất này nên việc thực hiện chương trình không chỉ là trách nhiệm mà còn là tấm lòng, là tình cảm của cả ê kíp cũng như người dân Gia Lai dành cho giọng hát của một nghệ sĩ đã được Nhà nước vinh danh”-nhà báo Nguyễn Hòa Giang bày tỏ.

Là một trong những học trò đã thành danh của NSND Rơ Chăm Phiang, ca sĩ Huyền Trang-giải nhất Cuộc thi Sao Mai dòng nhạc dân gian năm 2013-chia sẻ: “Dự định làm đêm nhạc đã được cô Phiang ấp ủ lâu rồi, nhưng đến nay mới thực hiện được. Đó là niềm mong mỏi của người nghệ sĩ. Huyền Trang rất mừng vì cô sắp hoàn thành tâm nguyện và cũng rất hạnh phúc khi được góp mặt trong chương trình của cô. Dù có nhiều học trò nhưng cô vẫn chọn mời Huyền Trang, đó là điều vinh dự. Hiện giờ, cô đã qua thời điểm trẻ trung và sung sức nhất, nhưng theo Huyền Trang, độ chín về kỹ thuật thanh nhạc không quan trọng bằng độ chín về kinh nghiệm sống. Huyền Trang rất tự hào về cô giáo của mình”.

 

 PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Trúc Nhân quái dị

Trúc Nhân quái dị

Với ca khúc "Không ra gì", Trúc Nhân đầu tư kinh phí tiền tỷ để thực hiện Music Video dài hơn 5 phút. Nam ca sĩ đã liều lĩnh nhưng chính điều này giúp sản phẩm tạo dấu ấn.