(GLO)- Cơ nghiệp hay cơ duyên đều đúng cả với những phụ nữ trong gia đình-những người gắn với đồi chè cả cuộc đời. Họ cũng là những công nhân có thâm niên lâu nhất ở đồn điền chè Biển Hồ, ngày nay là Công ty Chè Biển Hồ…
Hơn 50 năm làm nghề hái chè, cụ Nguyễn Thị Ngọt (94 tuổi) ở thôn 2, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah còn nhớ như in những vùng chè đầu tiên. Cụ được giao đi hái khắp các lô, nơi đâu cũng có dấu chân của cụ. Cái nghề hái chè ấy vậy mà khó ai nghĩ rằng nó gắn bó với cụ đến lúc tuổi ngoài 80. Hơn chục năm nay, dù không còn đi lại nhanh nhẹn, nhưng cụ vẫn còn minh mẫn, còn nhớ như in những kỷ niệm của đời công nhân hái chè. Cũng là cái duyên, cái nghiệp, cả đời con, đời cháu rồi bây giờ tới đời chắt vẫn theo nghề của cụ…
Vườn chè được trồng từ thời Pháp thuộc 1921. Ảnh: T.N |
Trôi về ký ức
Số phận gắn cuộc đời cụ với đồi chè khi không may chồng cụ qua đời năm cụ 35 tuổi. Năm đó, năm 1954, từ Tam Quan-Hoài Nhơn-Bình Định, một mình cụ dắt 3 người con lên Gia Lai, đi làm sở trà Biển Hồ. Không phải là lớp người đi trước, bởi thời cụ cây chè đã được người Pháp trồng được 33 năm (đồn điền lập từ năm 1921).
Chân ướt chân ráo lên lập nghiệp, ai cũng như ai, các gia đình lên đây đều xin vào làm công. Sở trà tuyển chọn và cho đào tạo căn bản nghề hái chè, chăm sóc chè. Ai làm được thì họ nhận làm chính thức, không được thì cho về. Cụ kể: “Cây chè hồi đó tốt lắm, đừng nói bị sâu bệnh, búp chè xanh mơn mởn, ra không kịp hái. Có những vườn chè cây cao đến tận nóc nhà, mà hái thủ công nên đành phải bỏ! Tiếc lắm. Cây chè được người Pháp chăm sóc rất kỹ, có bộ phận chăm sóc riêng, hái chè riêng.
Chúng tôi chỉ dùng tay ngắt theo kỹ thuật 2 lá 1 tôm (1 búp) (không như bây giờ họ dùng liềm cắt ngọn) cho nên ai hái giỏi lắm mỗi tháng cũng chỉ được 5-6 tạ. Làm sai kỹ thuật lập tức bị đuổi việc ngay. Cứ 3 năm một lần vào tháng 12, họ đốn cây, chúng tôi phải mang theo hộp sơn để quét trên bề mặt làm dấu, và để nước không thấm vào thân cây, chống sâu mọt, búp chè sau đó lên rất nhanh. Hái hết lô này, lại được điều sang lô khác, cứ như vậy, chúng tôi hái quanh năm, không khi nào hết việc. Có người cai quản và tính toán cân chè rất cẩn thận. Khoán thu hoạch sản phẩm nên ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít.
Những người vượt định mức cao được thưởng tiền. Hàng tháng, mỗi công nhân được cấp 2 lần gạo, mỗi lần 25 kg”.
Làm thời ông chủ người Pháp, rồi đến chủ người Tàu, không lo cái ăn, nhưng chỗ ở phải nói là gian nan. Cụ Ngọt nhớ lại: “Cứ bốn, năm gia đình, có lúc gần cả chục gia đình, già trẻ gái trai đều nhập chung một nhà. Những dãy nhà san sát có đến mấy trăm gia đình công nhân sinh sống. Thời gian qua đi, những dãy nhà trở nên cũ kỹ, dột nát khi mưa lớn. Những lúc trời giông, gió rít, tiếng tôn đập ầm ầm nghe rất sợ. Hai bên đường, cây trồng dày đặc để chắn gió. Lúc trời mưa to, gió đẩy cành lá xô nhau, cứ lo cây đổ sập nhà.
Nhưng thời đó, đi làm sở trà vẫn sướng hơn đi làm thuê cho chủ khác. Sở trà có rất đông người Việt làm thông ngôn. Những người cai quản đồn điền-có người còn sống, người đã mất, như già Liễu, Thị, Phải… họ quan tâm đến đời sống của chúng tôi lắm. Mỗi tuần, họ cho xe chở công nhân luân phiên nhau ra thị xã giải trí. Đau bệnh được đến trạm y tế.
Công nhân làm thuê ở ngoài tỉnh, chủ yếu thời đó là dân Bình Định lên rất đông, được nghỉ phép một năm mỗi lần về thăm quê. Đặc biệt, tín ngưỡng của người dân rất được tôn trọng”.
Hàng ngày, 6 giờ sáng làm đến 12 giờ trưa. Cân chè xong tranh thủ ăn cơm, nghỉ ngơi chút xíu lại bắt tay vào việc đến chiều tối. Ngày nào được giao đi hái xa, cụ lại phải dỡ cơm mang theo. Đồn điền chè từ thời Pháp rồi chuyển sang chủ người Tàu trải rộng đến tận chân núi, tổng diện tích lúc đó gần 3.000 ha. Ngày ấy, rừng thiêng nước độc rất dễ bị bệnh.
Cụ cũng hái những vùng chè sát núi, may thay trời phú cho sức khỏe tốt nên không việc gì. Mỗi lần được chuyển vùng chè xa, cụ phải đưa con theo hết. Ai học cứ học, ai làm được thì theo mẹ hái chè. Nhà ở được người của sở trà bố trí.
Sau giải phóng tính vào miền Nam định cư theo gia đình, nhưng nghĩ lại đùm túm vào trong đó làm lại từ đầu, cụ lại thôi. Lúc này, đồn điền trà được bàn giao cho Nhà nước quản lý. Phải nói, công nhân làm chè có cuộc sống thật sự khó khăn dưới thời bao cấp, mỗi tháng chỉ được cấp 4 kg gạo, 5 kg bột mì, nhà cửa chưa có, công việc lại bấp bênh. Rồi đến thời kỳ giao khoán vườn cây, cuộc sống đỡ hơn, nhưng chung quy đời làm công nhân chè thu nhập vẫn ít ỏi. Nhiều người không chịu nổi đành bỏ nghề đi làm việc khác, nhưng riêng cụ vẫn bám trụ. Cho đến năm 80 tuổi, cụ vẫn đi hái mướn cho những người nhận khoán. Ngoài ra cụ đi mót chè để bán kiếm thêm tiền. Đời công nhân hái chè gắn bó với cụ cho nên gặp ai cụ cũng nhắc lại chuyện xưa. “Nhiều khi muốn thăm vườn chè lắm nhưng đi lại khó khăn nên chỉ nghĩ về nó”.
Hai mẹ con cụ Ngọt. Ảnh: T.N |
Bốn thế hệ-một nghiệp chè
Thời Pháp, Tàu cai quản, 3 người con cụ Ngọt theo mẹ đi hái chè, sau đó vào làm công nhân của sở trà. Cho đến bây giờ, 2 người con cụ là bà Phạm Thị Tin (68 tuổi), Phạm Thị Hồng (60 tuổi) vẫn đang theo nghề hái chè. Hai người vẫn khỏe mạnh, làm việc nhanh nhẹn. Bà Hồng tâm sự: “15 tuổi tôi đã theo mẹ đi hái chè, lúc đó là đi cho vui, song dần dà tôi thích thú công việc này, rồi yêu mến nó. Chẳng thể ngờ cuộc đời mình đã gắn bó với đồi chè này dù chỉ đi hái thuê. Vườn chè tôi làm công cũng là những vườn chè xưa trước đây mẹ tôi đã hái. Công cụ làm nghề chỉ là chiếc nón lá bạt màu, cùng chiếc gùi đã cũ kỹ theo năm tháng”.
Thời điểm cây chè rớt giá, cuộc sống của những công nhân rất bấp bênh. Song không một chút do dự, bà Tin nhận khoán chăm sóc vườn chè khoảng 50 năm tuổi. Từng cây chè như những đứa con do bà chăm sóc từ nhỏ đến lớn, gắn bó là vậy nên đôi khi nghĩ về kinh tế, muốn đổi vùng chè “trẻ” hơn để cho năng suất cao, nhưng rồi lại thôi.
Rồi cũng là cái duyên, con gái của bà Tin, bà Hồng cũng vào làm công nhân Công ty Chè Biển Hồ, tiếp quản nghề của bà, của mẹ. Chẳng những thế, đến đời cháu bà Tin, sau bao nhiêu dự định, từng nghĩ đến chuyện thay đổi cuộc đời bằng con đường khác có tương lai hơn, song cuối cùng họ vẫn tiếp tục gắn bó với cây chè.
Ở vùng đất này, chẳng có gia đình nào mà bốn thế hệ đều gắn bó với đồi chè ngoài gia đình cụ Ngọt. Đời làm công nhân ai cũng chỉ mơ ước mưa thuận gió hòa. Có những thời điểm chè bị rớt giá, mất mùa cho năng suất thấp, thu nhập bấp bênh, nhiều gia đình không nhận khoán nữa để tìm công việc khác song bao thế hệ nhà cụ Ngọt thì vẫn gắn bó với đồi chè.
*
Vùng chè xưa gần một trăm năm tuổi còn lại không nhiều nhưng chứng tích lịch sử, ghi dấu một đời làm công nhân đồn điền vẫn còn đó. Là hàng thông xanh ngát, cây a-sia bên vệ đường, một vài ngôi nhà ngói vảy cá cũ kỹ, những gốc chè to, tán rộng trồng không theo hàng lối… Dù rất mơ hồ, nhưng tôi nghĩ đến việc bảo tồn những vườn chè cổ, bởi ngoài kinh doanh, Biển Hồ chè còn là nơi để du khách tham quan về một vùng chè cổ mà đến nay ít nơi còn giữ lại.
Thảo Nguyên