(GLO)- Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, bên cạnh cơ hội là vô vàn khó khăn, thử thách đặt ra. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động tìm cho mình hướng đi mới để tiếp tục tồn tại, phát triển. Tại Gia Lai, một số doanh nghiệp đang có xu hướng thoát khỏi “ao làng” để thâm nhập thị trường quốc tế và bước đầu đã gặt hái được thành công nhất định.
Loay hoay hội nhập
Doanh nghiệp trên địa bàn Gia Lai đa phần có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp tỉnh nhà gặp phải không ít thách thức về năng lực tài chính, giao dịch quốc tế, nguồn nhân lực chất lượng cao, phương tiện sản xuất hiện đại hay chuẩn hóa quy trình xuất-nhập khẩu… Số doanh nghiệp đủ tiềm lực để đáp ứng những yêu cầu đó chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đại đa số đều có tư tưởng “an phận”, chưa thể xóa bỏ lối mòn trong suy nghĩ và cách làm bấy lâu dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh hạn chế.
|
Cà phê là sản phẩm được nhiều doanh nghiệp Gia Lai quan tâm phát triển thương hiệu. Ảnh: Đức Thụy |
Theo ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, nông sản là ngành hàng thế mạnh của các doanh nghiệp Gia Lai hiện nay, song vẫn chỉ xuất thô là chính. Năng lực để đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến sâu nông sản của doanh nghiệp rất hạn chế (chủ yếu còn thủ công, cơ khí bán tự động), lại thiếu sự liên kết tạo chuỗi giá trị nên sức cạnh tranh không cao. “Bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế sáng tạo, nền công nghiệp 4.0, muốn tồn tại, anh phải có công nghệ cộng với liên kết, phải có ý tưởng sáng tạo và kế hoạch kinh doanh tốt để tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức rõ về vấn đề này”-ông Tuấn phân tích.
Những năm qua, thị trường bán lẻ nước ta luôn được xem là mảnh đất màu mỡ và khá sôi động; trong đó, Co.op Mart luôn giữ vị thế số 1 xét về cả doanh thu lẫn điểm bán. Vì vậy, đây là nơi được nhiều doanh nghiệp địa phương lựa chọn để quảng bá và giới thiệu mặt hàng của mình đến người tiêu dùng. Vậy nhưng, đến nay, chỉ có một số sản phẩm của doanh nghiệp Gia Lai xuất hiện trên gian hàng trưng bày tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku như: rượu Nhà Tôi, cà phê 331, rau an toàn Hương Đất, trà Vũ Minh Phát, bò khô Cô Ba… Một số doanh nghiệp khác thì người không mặn mà vì cho rằng chiết khấu quá cao, người có nguyện vọng lại không thể gia nhập.
Lý giải điều này, bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho hay: “Thật sự chúng tôi vô cùng mặn mà trong việc khai thác các mặt hàng đặc trưng của địa phương bởi chất lượng sản phẩm khá ổn. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại chưa thể đáp ứng đầy đủ điều kiện mà Co.op Mart đưa ra, thường là thiếu giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, trang-thiết bị sản xuất không đảm bảo…”. Nhưng đổi lại, theo bà Thy, khi tham gia vào Co.op Mart, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ gian hàng đặc sản địa phương; ưu tiên vị trí tốt trong siêu thị; giá cả hợp lý; quảng bá và giới thiệu sản phẩm trên kênh truyền thông của Co.op Mart hoặc bằng băng rôn; làm chương trình khuyến mãi; giảm chiết khấu tùy theo mặt hàng.
Chủ động vượt khó
Với mục tiêu tiếp tục tồn tại và phát triển, một số doanh nghiệp đã và đang vạch ra cho mình chiến lược kinh doanh bền vững. Họ không ngừng xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tạo sự khác biệt; đồng thời có xu hướng vươn ra khỏi ranh giới của tỉnh, thậm chí của quốc gia để thâm nhập thị trường nước ngoài.
|
Cà phê L'amant của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp được rang xay theo quy trình nghiêm ngặt. |
Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cà phê Classic, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Hạt điều Hải Bình-chia sẻ: Đối với doanh nghiệp sản xuất-chế biến, việc hình thành thương hiệu và các dòng sản phẩm chỉ là bước đầu căn bản. Để thương hiệu của mình lớn mạnh trong và ngoài nước thì bản thân doanh nghiệp phải liên tục đi xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường nhằm nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, đồng thời học hỏi kinh nghiệm để cải tiến và tạo ra được sản phẩm chất lượng. Đối với cà phê Classic, chúng tôi chú trọng xây dựng sản phẩm cà phê phin mang đậm văn hóa truyền thống của người Việt. Bên cạnh lựa chọn nguyên liệu đầu vào tốt nhất, Công ty không ngừng cải tiến công nghệ rang xay để tạo ra những dòng sản phẩm cà phê hảo hạng nhất. Ngoài ra, chúng tôi còn chủ động xây dựng hệ thống phân phối lẻ tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước và chuỗi quán cà phê tại Gia Lai, Đak Lak, Huế để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, có cơ hội đối chứng thực tế sản phẩm.
Riêng Hải Bình đang là đơn vị tiên phong về chế biến sâu hạt điều tại Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. “Từ trước đến nay, chúng ta chỉ chủ yếu chế biến thô để xuất khẩu thì bây giờ Hải Bình làm ra sản phẩm rang và đóng gói bao bì, đưa lên kệ các cửa hàng, siêu thị bán đến tay người tiêu dùng. Hạt điều Hải Bình đã có trong chuỗi siêu thị của Vinmart, Big C và đang xúc tiến xuất đơn hàng đầu tiên cho Tập đoàn Central Group của Thái Lan vào tháng 11 tới”-ông Lâm phấn khởi nói.
Với 26 năm xây dựng và phát triển trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê đi khắp thế giới, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã nghiên cứu cho ra đời dòng sản phẩm L'amant Cafe-cà phê Robusta Organic đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận USDA Hoa Kỳ. Ngay từ khi bắt đầu, L'amant đã thực hiện một bước đột phá trong ngành công nghiệp cà phê khi lựa chọn canh tác cây cà phê theo phương pháp hữu cơ, nói không với thuốc bảo vệ thực vật. Cà phê nhân sau đó được rang xay theo quy trình nghiêm ngặt với tiêu chí “3 không” (không tẩm ướp, không chất phụ gia, không chất bảo quản) và được đóng gói theo tiêu chuẩn quốc tế.
Chính sự đột phá này đã giúp Vĩnh Hiệp tạo được khác biệt trong sản phẩm của mình và xây dựng nên một thương hiệu uy tín. “Dù ra đời chưa tròn 1 năm song L'amant Cafe tự hào là đơn vị đồng hành và phục vụ cà phê tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi đạt được mục tiêu chinh phục thị trường cà phê Việt Nam và quốc tế. Vĩnh Hiệp cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Gia Lai xuất khẩu cà phê rang xay sang thị trường Hàn Quốc và Mỹ”-ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết.
Tạo “đòn bẩy” cho doanh nghiệp
|
Thương hiệu cà phê L'amant của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp vươn ra thị trường thế giới. Ảnh: Hà Duy |
Trước những lúng túng mà doanh nghiệp gặp phải trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, những năm gần đây, tỉnh ta và các tổ chức liên quan cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp họ từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Cứ 2 năm 1 lần, Sở sẽ tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, tiếp đó là tham dự cấp khu vực, quốc gia. Năm nay, Gia Lai có 3 bộ sản phẩm và 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên trên tổng số 16 sản phẩm và bộ sản phẩm tham gia. Hàng năm, tỉnh cũng hỗ trợ cho 6-7 doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm trong nước với kinh phí 50-70 triệu đồng/đơn vị; tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia (trực tiếp hoặc gián tiếp) khoảng 20 hội chợ triển lãm trên cả nước để họ giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; tổ chức các phiên chợ hàng Việt sang biên giới tại Campuchia; thực hiện bảo hộ sản phẩm theo Luật Sở hữu trí tuệ; phối hợp mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận thị trường và kỹ năng bán hàng… cho các doanh nghiệp trên địa bàn; cập nhật thông tin về nhu cầu thị trường thông qua trang thương mại điện tử để doanh nghiệp nắm bắt và chủ động xây dựng hướng đi cho mình…
“Là tổ chức của doanh nghiệp trên địa bàn, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng tích cực hỗ trợ các sở, ban, ngành triển khai thực hiện tốt các chương trình về sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại, tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Hiệp hội đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin cho doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để từ đó, họ có cái nhìn và tạo dựng chiến lược phát triển phù hợp, đúng đắn”-Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Tuấn nhấn mạnh.
Với sự chủ động của doanh nghiệp, sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, hy vọng trong tương lai gần, những sản phẩm sản xuất từ Gia Lai sẽ xây dựng được thương hiệu đủ mạnh trên thị trường trong và ngoài nước.
Minh Thi - Hồng Thi