Đinh Thị Văn: Đưa văn hóa truyền thống đến với du khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar đến với du khách, chị Đinh Thị Văn (SN 1985, trú tại làng Mơ Hra-Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia các hoạt động du lịch, dịch vụ với mục đích tạo ra những sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo.

Với người dân làng Mơ Hra-Đáp, chị Đinh Thị Văn vừa xinh đẹp lại có đôi tay khéo khi xoang giỏi, nấu ăn ngon, ủ rượu ghè thơm và dệt thổ cẩm tinh xảo. Nhờ những tài năng đó, chị là một trong những người tiên phong làm du lịch cùng cộng đồng địa phương.

Chị chia sẻ: “Mô hình du lịch cộng đồng đã mở ra cơ hội cho người dân phát triển các sản phẩm du lịch trên nền tảng văn hóa, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo. Chính vì thế, tôi cố gắng lan tỏa những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến mọi người.

Lợi thế của tôi là được sinh ra và lớn lên ở làng nên am hiểu phong tục, văn hóa. Khi du khách tới làng, tôi giúp họ trải nghiệm, khám phá thiên nhiên và đời sống sản xuất, sinh hoạt của người Bahnar”.

Chị Đinh Thị Văn chuẩn bị ghè rượu để mời du khách. Ảnh: M.K

Chị Đinh Thị Văn chuẩn bị ghè rượu để mời du khách. Ảnh: M.K

Nhà rông làng Mơ Hra-Đáp luôn rộn ràng mỗi dịp cuối tuần hoặc các ngày lễ, Tết. Những dịp này, chị Văn cùng dân làng dệt vải, nấu các món ăn truyền thống và đón tiếp khách. Năm 2018, làng du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp được hình thành theo dự án của Hội đồng Anh. Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam làm chủ dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng.

Cuối năm 2022, làng tiếp tục được hỗ trợ nâng cao kỹ năng từ Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thời điểm này, gia đình chị Văn là 1 trong 2 hộ được chọn để triển khai mô hình homestay. Chị đã nỗ lực học cách kinh doanh lưu trú du lịch tại nhà; nâng cao kỹ năng, phương pháp chế biến món ăn, kỹ năng phục vụ khách lưu trú; chuẩn bị tốt một số thiết bị để triển khai mô hình homestay như: nệm, chăn, gối, màn, ga trải giường, tủ đựng chăn màn…

Nhanh tay ủ ghè rượu cần, chị Văn hào hứng kể: Người Bahnar trước nay chỉ quen với việc trồng mía, trồng mì và cùng nhau sum vầy trong không gian làng. Khi bắt tay vào làm du lịch, đón khách thập phương, ban đầu, bà con cũng rụt rè, bỡ ngỡ.

Nhưng để làng ngày càng phát triển, đời sống ngày một nâng lên, chị cùng bà con không ngại học hỏi để mở mang kiến thức, nhất là tích cực trong việc quảng bá cồng chiêng, xoang, thổ cẩm, ẩm thực…

Còn già làng Đinh Mưnh thì chia sẻ: “Tôi rất vui khi làng đón được nhiều khách gần xa. Và người góp phần quảng bá nét đẹp của làng hiệu quả nhất là Đinh Thị Văn. Văn đứng đầu đội xoang, tập múa, tập dệt cho bọn trẻ. Những câu chuyện đẹp bao đời của làng cũng được Văn chuyển tải một cách hấp dẫn, đáng nhớ đến du khách”.

Du khách đến làng Mơ Hra-Đáp không chỉ đắm chìm trong không gian văn hóa cồng chiêng mà còn được khám phá không gian làng, thưởng thức những món ăn truyền thống của người Bahnar do chính tay chị Văn chế biến.

Chị bày tỏ: “Tôi rất yêu những món ăn truyền thống của dân tộc mình. Chính vì vậy mà khi nấu cho mọi người ăn, tôi đã dồn hết tâm huyết vào đó. Ngoài việc giữ hương vị món ăn vốn có bao đời của dân tộc mình, tôi còn học hỏi thêm để trang trí món ăn đẹp hơn, bắt mắt hơn.

Bên cạnh các món truyền thống như cơm lam, gà nướng, mì đắng… tôi cùng các chị em trong làng còn học nấu thêm nhiều món khác như: đọt mây nướng, bánh khoai mì, cá suối nướng, tép đùm lá chuối, canh ốc”.

Chị Đinh Thị Mai Anh chia sẻ: “Trước đây, thấy du khách về làng, bà con còn e ngại. Nhưng khi thấy chị Văn mạnh dạn giao tiếp, kể chuyện với mọi người về vẻ đẹp của làng, chúng tôi thấy rất tự hào và cũng muốn học hỏi để cùng chung sức làm đẹp cho ngôi làng, xây dựng hình ảnh đẹp về làng trong lòng du khách”.

Chị Đinh Thị Văn hướng dẫn đội xoang của làng hòa nhịp cồng chiêng. Ảnh: M.K

Chị Đinh Thị Văn hướng dẫn đội xoang của làng hòa nhịp cồng chiêng. Ảnh: M.K

Trong một lần tham quan làng Mơ Hra-Đáp, chị Nguyễn Thị Phương-du khách đến từ Hà Nội đặc biệt ấn tượng với cô gái Bahnar Đinh Thị Văn bởi gương mặt sáng, đôi tay khéo léo và cách ứng xử duyên dáng.

“Dù là lần đầu tiên tới đây nhưng tôi cảm thấy rất gần gũi, thân thiện nhờ những câu chuyện của chị Văn. Tôi được lưu trú và thưởng thức ẩm thực tại homestay của gia đình chị. Tất cả rất chỉn chu và thoáng đãng. Tôi cũng khám phá được nhiều điều mới mẻ về bản sắc, con người, tập quán nơi đây qua sự giới thiệu của hướng dẫn viên Đinh Thị Văn. Chắc chắn tôi sẽ quay trở lại nơi này”-chị Phương tâm sự.

Trò chuyện cùng P.V, ông Đinh Văn Lum-Phó Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng-cho rằng: Phát triển du lịch gắn với văn hóa là thực hiện song song công tác bảo tồn với phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa, thiên nhiên, làm nên bộ sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách. Chị Đinh Thị Văn cùng người dân Bahnar ở làng Mơ Hra-Đáp đang nỗ lực để hình thành lớp người yêu văn hóa truyền thống, biết trân trọng, giữ gìn bản sắc dân tộc.

“Từ những nỗ lực của các cá nhân như chị Đinh Thị Văn, hiện nay, nhận thức của dân làng về du lịch đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để đẩy mạnh quảng bá du lịch, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch đặc thù như: du lịch sinh thái kết hợp với nghiên cứu lịch sử-văn hóa; vận động người dân phát huy các ngành nghề truyền thống như: ẩm thực, đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, sản xuất dụng cụ lao động và sinh hoạt truyền thống của người Bahnar”-Phó Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Ngày 3/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết Dự án thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.