(GLO)- Tôi không thuộc tạng “môn đệ” của trà đạo nên ít để tâm các thương hiệu trà trên thế giới. Nhưng khi đến làng trà Long Tỉnh ở ngoại ô Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Giang Nam-Trung Quốc thì tôi đã bị chinh phục bởi một vùng nông thôn cổ chuyên canh cây chè đạt đến trình độ tinh xảo, gây ấn tượng mạnh cho du khách, tạo nên một “thiên đường” trà và mỗi thành viên của làng trà là một “chư tiên” sống ung dung, thư thái nơi tiên cảnh ấy.
Điều đó đã làm tôi thao thức, suy nghĩ về những miền trà nơi quê hương mình. Đất nước tôi cũng có những miền trà nổi tiếng như Thái Nguyên, Lâm Đồng, Gia Lai… và sản phẩm chè nơi đây đã từng vượt đại dương đi khắp thế giới. Vậy mà người trồng chè của xứ tôi hàng trăm năm nay vẫn lam lũ. Tôi ước ao, một ngày nào đó cái mô hình “Plei” Long Tỉnh Trà ở xứ người sẽ nảy mầm trên đất nước tôi theo kiểu “made in Việt Nam”.
Thật ngạc nhiên, sau khi rời Tây Hồ, nơi có truyền thuyết về nàng Tây Thi xinh đẹp, chúng tôi lại đi về hướng Tây cách thủ phủ Hàng Châu khoảng chừng 20 km để đến một làng cao nguyên ở độ cao trên 700 mét so với mực nước biển với đồi núi quanh co, khí hậu mát mẻ và tít tắp những đồi chè ngào ngạt, sao mà giống các vùng chè nơi Tây Nguyên và xứ sở Đông Bắc Tổ quốc tôi. Trên con đường láng nhựa phẳng lì quanh co, xe chúng tôi chui qua một đường hầm dài độ 1,5 km kiên cố để đến thôn Long Tỉnh. Cô hướng dẫn viên người Thượng Hải giới thiệu rằng: Đây là đường hầm trên hương lộ duy nhất ở Trung Quốc do người dân đóng góp tiền của làm nên không cần đến ngân sách quốc gia. Tôi thầm nhẩm tính, nếu như ở quê mình thì con đường hầm này có thể được xây dựng hàng trăm tỷ đồng-điều mà không thể áp dụng kiểu Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thế nhưng ở đây dân làng Long Tỉnh Trà đã tự bỏ vốn ra để xây dựng một đường hầm xuyên sơn hiện đại thì đủ biết họ giàu cỡ nào. Có lẽ đây là một hình mẫu kiểu nông thôn mới của Trung Quốc thời nay mà ít có nơi nào học được.
Thời tiết bấy giờ đã vào cuối hạ nhưng đi vùng cao nguyên này khí trời dịu hẳn, cây cối sum suê, mát mẻ. Bên kia đường, trên sườn đồi là những nương chè xanh um, ngay hàng thẳng lối, đã qua mùa thu hoạch độ hơn vài tháng. Lừng lững bên vườn chè là những ngôi biệt thự sang trọng của người dân thôn Long Tỉnh với cuộc sống êm ả, thanh bình. Hướng dẫn viên cho chúng tôi biết, những thế hệ của người dân thôn Long Tỉnh đã cư ngụ lâu đời nơi đây và con cháu họ không di cư đến vùng khác. Nếu trai gái trong làng lập gia đình, họ đều kêu gọi dâu, rể về ngụ cư tại mảnh đất sơn lâm này và cùng nhau canh tác, kinh doanh trà Long Tỉnh. Sao mà không về với thiên đường trà này được chứ! Dù có ở kinh đô hay xứ xa hoa Thượng Hải cũng không thể có được cuộc sống nhàn nhã, giàu sang với xe con, villa và môi trường trong lành như xứ thần tiên ở hạ giới nơi đây. Hàng năm, nếu Hàng Châu trung bình đón tiếp khoảng 20 triệu du khách thập phương đến thưởng ngoạn thì làng Long Tỉnh Trà cũng tiếp ngần ấy người đến thưởng lãm danh trà. Chưa kể, những “phượt thủ” về đây vào mùa Xuân tươi đẹp nhất để cùng ở lại với dân làng tập hái chè, sao chế trà truyền thống nhằm tìm ra giá trị cuộc sống thanh nhàn.
Người ta kể, khi tiết Xuân ấm áp, những vườn chè tươi rói búp non có màu vàng xanh mơn mởn rợp cả góc trời, những chủ vườn chè chọn những cô gái thanh xuân, buổi sáng sớm mang giỏ hái những búp trà non còn ngậm sương đầu tiên. Đó là lứa trà loại một, được sao chế bằng phương pháp truyền thống của người dân trong vùng nhằm làm bay hơi nước để tránh quá trình lên men. Từ đầu thời nhà Thanh, Khang Hy Hoàng đế đã từng say mê khi dùng loại trà ở vùng này và nó trở thành Hoàng trà từ đấy. Sau này, vua Càn Long đã từng có chuyến kinh lý đến xứ trà nổi tiếng này và cái tên Long Tỉnh Trà xuất hiện từ đó. Có truyền thuyết kể rằng, vua Càn Long dạo quanh vườn trà và thấy cái bóng cây chè lung linh dưới giếng như con rồng uốn lượn nên đặt tên Long Tỉnh Trà.
Ngày nay, trà Long Tỉnh được xem là quốc trà của Trung Quốc. Mỗi năm vùng trà Long Tỉnh thu hoạch khoảng 15.000 tấn, được sao chế thành nhiều loại trà khác nhau, từ loại đặc biệt như Tây Hồ Long Tỉnh đến loại thượng hạng Thanh Minh Long Tỉnh, trà Sư Tử… với giá bán rất cao, xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Với bí quyết sao chế đặc biệt, công phu, trà Long Tỉnh có loại dùng để uống, có loại dùng để ăn và chế biến cùng các loại thực phẩm khác dùng trong các bữa ăn hàng ngày nên người Trung Quốc có thói quen nói “ăn trà Long Tỉnh” chứ không gọi uống trà Long Tỉnh.
Đến “vương quốc trà” Long Tỉnh, tôi thử thưởng thức loại Hoàng trà này bởi chính những chủ nhân của vườn trà pha chế. Họ pha trà Tây Hồ Long Tỉnh trong ấm gốm Tử Sa của hãng Nghi Hưng. Đưa ly trà nóng có màu vàng xanh lên mũi, nó toát ra mùi thơm đặc trưng dễ chịu, uống vào từng ngụm có vị chát đắng của trà và sau đó để lại vị ngọt thanh trong cổ họng. Ở đây còn có loại trà sấy khô dùng để ăn như thực phẩm khác. Đặc biệt, người ta quảng bá trà Long Tỉnh như một loại thực phẩm chức năng, nó có thể chống ung thư và bệnh tim mạch. Người dùng nó thường xuyên có thể giải độc, giảm cholesterol, axit béo no, giảm huyết áp, kháng lão trường thọ, tăng khả năng sinh lý… Chỉ nghe đến các công dụng về sức khỏe của trà Long Tỉnh thì dường như ai cũng dốc hầu bao, mặc dù rất đắt so với các loại trà đặc biệt ở xứ ta, để có được loại “trà vua” này.
Rời xứ Long Tỉnh Trà, tôi ước ao rồi đây trên quê hương Gia Lai với những xứ trà Bàu Cạn, trà Biển Hồ… có vùng địa lý và chất lượng trà tương đồng với xứ người, sẽ có phương thức trồng, chế biến, đa dạng sản phẩm trà và đổi mới phương thức kinh doanh để người trồng chè và công nhân vùng chè được giàu lên, cải thiện cuộc sống tốt hơn bằng chính nghề chè của mình.
Hoàng Linh Việt