(GLO)- Với nghệ nhân Ksor Siơh (làng Kly Phun, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh), tình yêu cồng chiêng đã ngấm sâu vào máu thịt ông từ lúc nhỏ. Cồng chiêng được ông xem như báu vật, được ông truyền dạy lại cho lớp trẻ để tiếng cồng, tiếng chiêng mãi ngân vang vào tiềm thức của mỗi người con nơi rừng núi đại ngàn.
Chúng tôi ghé thăm nhà nghệ nhân Ksor Siơh đúng lúc ông đang lau chùi bộ cồng chiêng để chuẩn bị mang đi biểu diễn trong đám cưới của một người em họ. Nhìn thao tác lau chùi từng chiếc chiêng cẩn thận, tỉ mỉ mới thấy được niềm vui, niềm sung sướng của ông. Qua trò chuyện, được biết nghệ nhân Ksor Siơh sinh ra và lớn lên ở làng Rơ Bai A, thị xã Ayun Pa-cái nôi của văn hóa cồng chiêng.
Nghệ nhân Ksor Siơh (bên phải) đang dạy đánh cồng chiêng cho một thanh niên trong làng. Ảnh: L.T |
Từ lúc còn nhỏ, mỗi lần được ama dẫn đi xem biểu diễn cồng chiêng khi làng vào mùa lễ hội, ông đã bị cuốn hút bởi loại nhạc cụ này. Với ông, những bài chiêng truyền thống lúc nào cũng mang ý nghĩa đặc biệt vì nó thể hiện nét văn hóa riêng của người dân tộc Jrai. Mỗi bài đều mang một thông điệp riêng, chẳng hạn bài chiêng đánh trong lễ hội mừng lúa mới, cưới hỏi... sẽ có nhịp điệu nhanh, dồn dập thể hiện niềm vui, sự hào hứng; còn lễ bỏ mả, ma chay… sẽ có những bài riêng với nhịp điệu trầm buồn nhằm thông báo cho mọi người, cho các làng bên về sự ra đi của một người nào đó để họ cùng chia buồn.
Nói về bí quyết giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng của gia đình mình, nghệ nhân Ksor Siơh tự hào: “Hiện nay gia đình tôi đang còn lưu giữ 2 bộ cồng chiêng gồm 25 chiếc chiêng, 1 bộ do ông nội của vợ để lại, 1 bộ do tôi dành dụm tiền mua”.
Với mong muốn tiếng cồng, tiếng chiêng của dân tộc mình vang xa, nghệ nhân Ksor Siơh đã thành lập một đội chiêng của làng gồm 11 thành viên, đều là anh em trong dòng họ. Kể từ khi thành lập đến nay, đội cồng chiêng của ông đã nhận rất nhiều lời mời đi biểu diễn ở các nơi như: Kon Tum, Phan Thiết, TP. Hồ Chí Minh... Không chỉ biểu diễn, nghệ nhân Ksor Siơh còn tình nguyện dạy cồng chiêng cho các bạn trẻ trong làng. Ngoài ra, ông còn nhận lời tham gia giảng dạy cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật. Gần đây nhất, nghệ nhân này đã “đứng lớp” về cồng chiêng 10 ngày tại Trường Đại học Phan Thiết. Sự đam mê của các sinh viên đối với loại nhạc cụ truyền thống này chính là niềm vui và động lực giúp nghệ nhân dành hết tâm huyết truyền dạy văn hóa dân tộc Tây Nguyên.
Bà Nguyễn Thị Hương-Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Nhơn Hòa: “Nghệ nhân Ksor Siơh là người đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Jrai trên địa bàn thị trấn Nhơn Hòa. Ông không những đánh cồng chiêng giỏi, lưu giữ được nhiều cồng chiêng mà còn là một nghệ nhân chỉnh chiêng rất tài ba, các làng khác trên địa bàn đều nhờ ông chỉnh chiêng”. |
Tuy vậy, nghệ nhân Ksor Siơh vẫn còn không ít băn khoăn, lo lắng: “Nhiều năm qua, tôi đã đưa đội cồng chiêng của làng tham gia nhiều hoạt động văn hóa ở khắp các tỉnh, thành trong nước. Nhưng chính trong ngôi làng mình, hoạt động văn hóa này lại đang hiếm dần. Niềm mơ ước lớn nhất của tôi bây giờ là truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, ai đam mê cồng chiêng tôi sẽ hết lòng để văn hóa truyền thống không bị mai một”. Em Siu Thiết (làng Kly Phun) cho biết: “Nghe tiếng cồng, tiếng chiêng trong các lễ hội em rất thích. Em đã theo học về cách đánh chiêng với bác Ksor Siơh từ năm 15 tuổi, giờ đã đánh thành thạo một số bài chiêng truyền thống. Thời gian tới em sẽ tiếp tục theo bác để học hỏi thêm”.
Lê Trang