Dân làng Kgiang theo A Ngưi làm du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Anh Đinh Văn Ngưi (tên thường gọi A Ngưi, dân tộc Bahnar, làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã thành lập Công ty TNHH Dịch vụ du lịch A Ngưi, khai thác các thế mạnh văn hóa bản địa để làm du lịch cộng đồng. Những năm qua, anh đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 15 người và gần 40 người khác làm việc bán thời gian, họ đều là người dân tộc thiểu số.

Chị Đinh Thị Méch (làng Kgiang) từ một nông dân chân lấm tay bùn trở thành nhân viên Công ty TNHH Dịch vụ du lịch A Ngưi. Chị Méch không chỉ có thu nhập ổn định hơn 7 triệu đồng/tháng mà còn được làm việc trong môi trường sạch sẽ, chuyên nghiệp. Công việc chính của chị Méch và 14 nhân viên khác là nấu ăn, phục vụ tại Homestay, dẫn tour. “Trước đây làm ruộng khổ lắm, năm nào được mùa, được giá thì đỡ chứ mất mùa phải đi làm thuê, con cái học hành không ai chăm nom. Giờ vào làm cho công ty của anh A Ngưi, mọi chế độ, tiền lương đều được bảo đảm, gia đình mình vui lắm”-chị Méch bộc bạch.

Cũng ở làng Kgiang, chị Đinh Thị Hà không giấu được xúc động, trải lòng: “Kbang là huyện có khí hậu rất khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên làm nông với vài ba sào ruộng thì không đủ ăn. Đồng bào ở đây nếu không làm thêm nghề phụ thì cuộc sống khó khăn. Khi nghe người ta nói làm du lịch cộng đồng có thu nhập cao nhưng không ai biết phải bắt đầu từ đâu và thấy phải đầu tư nhiều tiền của thì cũng sợ. May mắn là có anh A Ngưi tiên phong thành lập công ty làm du lịch cộng đồng và hướng dẫn bà con cùng làm, giúp hàng chục hộ gia đình có việc làm, thu nhập ổn định”.

 Anh A Ngưi (người đánh đàn) và nhân viên Công ty luyện tập các tiết mục văn nghệ phục vụ khách du lịch. Ảnh: S
Anh A Ngưi (người đánh đàn) và nhân viên Công ty luyện tập các tiết mục văn nghệ phục vụ khách du lịch. Ảnh: Sơn Tùng

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, anh A Ngưi, 38 tuổi, là cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kbang. Anh có sự am hiểu sâu sắc về văn hóa của dân tộc mình và thấy được tiềm năng to lớn trong kết hợp giữa văn hóa bản địa với phát triển du lịch. Theo A Ngưi, người dân tộc Bahnar giàu bản sắc văn hóa, nắm giữ trong tay cả một “kho báu văn hóa” mà chưa biết khai thác để phát triển kinh tế. Vì vậy, anh đã bắt tay vào khai thác “kho báu” của dân tộc mình bằng con đường phát triển du lịch cộng đồng, giúp bà con làng Kgiang và người dân trong vùng thoát nghèo bền vững.

Cuối năm 2018, A Ngưi bắt đầu xây dựng Homestay với đầy đủ phòng chức năng và các hạng mục trải nghiệm trên diện tích rộng gần 1 ha, gồm: 1 nhà sàn ngủ cộng đồng, 2 nhà sàn có phòng riêng cho từng gia đình, 1 nhà sàn thưởng thức ẩm thực, các chòi ngủ trải nghiệm thiên nhiên và có hồ sen, ao cá, khu sinh hoạt cộng đồng với tổng kinh phí xây dựng hơn 4 tỷ đồng được huy động từ nhiều nguồn… Đặc biệt, A Ngưi tập hợp các đội cồng chiêng, nghệ nhân hát sử thi, đội múa, đội nấu ăn, dệt thổ cẩm, đan lát của làng đến phục vụ du khách tại Homestay và các tour du lịch.

Trò chuyện với chúng tôi sau khi hoàn thành tiết mục cồng chiêng “mừng lúa mới” phục vụ đoàn du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, anh Đinh Phai-nghệ nhân đánh cồng chiêng của làng Kgiang phấn khởi nói: “Trước đây, tôi tham gia đội cồng chiêng của làng mỗi năm chỉ đánh được mấy lần vào dịp lễ hội hay mừng nhà mới. Nay theo anh A Ngưi làm du lịch cộng đồng thì gần như ngày nào cũng được đánh cồng chiêng, giúp tôi và mọi người trong đội vừa có thêm thu nhập, vừa rèn luyện được những kỹ thuật khó. Nhờ đó mà cuộc sống của tôi và nhiều người dân trong làng khấm khá hơn, tiếng cồng, tiếng chiêng cũng hay hơn, vang hơn”.

Mặc dù vẫn còn đó những khó khăn nhưng A Ngưi tin mình đã đi đúng hướng và sẽ thành công. Nhất là, du lịch cộng đồng, du lịch xanh, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực... đang là một xu hướng thịnh hành sau đại dịch Covid-19. Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch sau đại dịch cũng như cuộc sống của bà con ngày càng tốt lên đã tạo thêm niềm tin, động lực cho A Ngưi đầu tư, hoàn thiện hệ thống Homestay, nâng cao chất lượng dịch vụ và cho ra đời những sản phẩm mới như: tổ chức các tour trekking rừng và cắm trại dã ngoại để khai thác vẻ đẹp hùng vĩ, nguyên sơ của đại ngàn Kon Chư Răng; kết nối hệ thống Homestay với các công ty lữ hành trên toàn quốc để tạo thành chuỗi liên kết trong du lịch; phục dựng các lễ hội của dân tộc Bahnar và các nghề truyền thống giúp du khách trải nghiệm…

“Từ đầu năm 2022 đến nay, Homestay đã đón hơn 6.000 lượt khách và hàng trăm khách đi tour trekking rừng. Khi khách du lịch đến làng Kgiang càng đông thì người dân càng có cơ hội giao lưu, học hỏi, thay đổi nếp nghĩ để phát triển kinh tế. Ngoài trồng rau, chăn nuôi nhập cho công ty, bà con còn bán được sản phẩm nông nghiệp, thổ cẩm, đan lát cho du khách, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống”-anh A Ngưi cho hay.
 

 SƠN TÙNG

 

Có thể bạn quan tâm

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Vùng đất Bình Châu (Bình Sơn) được ví như viên ngọc bên bờ Biển Đông. Nơi đây không chỉ có cảnh đẹp, mà còn sở hữu nhiều di sản lịch sử - văn hóa, địa chất, địa mạo độc đáo.

Khách tây 'mê' tết ta

Khách tây 'mê' tết ta

Không chỉ người Việt nôn nao, rất nhiều doanh nhân, du khách, sinh viên nước ngoài cũng bị quyến rũ bởi không khí tết cổ truyền của VN đang đến từng ngày.

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.