Đắk Lắk: Nắng nóng, hạn hán hoành hành, hàng ngàn hộ "chạy uống từng bữa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Do nắng nóng kéo dài, hàng ngàn hộ dân tại tỉnh Đắk Lắk đã rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng. Hàng ngàn diện tích cây trồng cũng chung số phận.
 
"Chạy uống từng bữa"
Đã 2 tháng nay, gia đình anh Y Zol Êban (Buôn Niêng1, xã Ea Nuôi, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) gần như phải "chạy" nước từng bữa. Hàng ngày, mỗi khi đi đâu, anh đều phải mang theo can nhựa để xin nước về dùng.
Người dân xã Ea Nuôl phải đi xin hoặc mua nước về dùng.
Người dân xã Ea Nuôl phải đi xin hoặc mua nước về dùng.

"Nắng nóng kéo dài đã nhiều tháng qua, mặc dù gia đình đã đào thêm giếng để lấy nước sinh hoạt nhưng vẫn không có nước để dùng. Mỗi ngày, tôi đều phải chở theo can nhựa để xin nước từ những gia đình có giếng khoan về nấu nướng"- anh Y Zol nói.

Không chỉ gia đình anh Y Zol, mà hàng chụ hộ dân tại buôn Niêng1 cũng lâm vào cảnh tương tự. "Hầu như toàn bộ các giếng đều đã cạn khô. Người dân trong buôn phải động viên nhau chia sẻ nguồn nước hiếm hoi còn lại để vượt qua đợt nắng hạn này"- Buôn trưởng buôn Niêng1 (xã Ea Nuôl) nói với chúng tôi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng xã Ea Nuôl, hiện đã có khoảng hơn 600 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nhiều gia đình thậm chí phải đi mua từng can nước để về dùng.
Thống kê mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, nắng nóng kéo dài đang khiến hơn 2.800 hộ dân trên toàn tỉnh bị thiếu nước sinh hoạt. Các huyện bị ảnh hưởng nặng là: Ea Súp, Krông Bông, Ea Kar, Buôn Đôn, Cư Mgar…
Suối nguồn cạn kiệt, cây trồng khô héo
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện cũng đã có gần 12 ngàn ha cây trồng bị hạn. Trong đó, nơi thiệt hại nặng nề nhất là huyện Ea Kar với hơn 6.300 ha thiếu nước tưới do nước sông Krông Pắc cạn kiệt. Toàn tỉnh có gần 4.000 ha lúa nước đứng trước nguy cơ mất trắng hoặc giảm năng suất đáng kể do thiếu nước và gần 4.600 ha cây lâu năm cùng hàng ngàn ha hoa màu đang khát cháy.
Nhiều diện tích lúa tại hyện Krông Bông chết cháy.
Nhiều diện tích lúa tại hyện Krông Bông chết cháy.
Vẫn theo Sở này, hiện nguồn nước các sông suối và nước ngầm trên địa bàn tỉnh so với trung bình cùng kỳ nhiều năm trước đang duy trì mức thấp hơn; lượng dòng chảy mặt thiếu hụt khoảng 50 - 70% so với trung bình nhiều năm. Nhiều suối nhỏ trên địa bàn tỉnh bị cạn kiệt; mực nước ngầm các tháng đầu năm 2020 phổ biến thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019, cục bộ một số vùng giảm rất sâu.
Toàn tỉnh có tổng số 782 công trình thủy lợi, hiện nay mực nước các hồ chứa chủ yếu duy trì ở mức thấp; hồ chứa nhỏ phổ biến cạn kiệt, trong đó có 96 hồ cạn khô hoàn toàn, các hồ chứa vừa và lớn phổ biến còn khoảng từ 30 - 50% dung tích thiết kế, nhiều đập dâng, trạm bơm không đảm bảo năng lực thiết kế do lượng dòng chảy giảm.
Để hạn chế ảnh hưởng của hạn hán đến đời sống sinh hoạt của người dân, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước hợp lý, tuyên truyền mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm; cấp nước chống hạn theo thứ tự ưu tiên: Nước sinh hoạt, nước uống cho vật nuôi, nước tưới cho cây trồng có giá trị cao.
Bên cạnh đó, tuyên truyền đến các hộ dân trong vùng thiếu nước sinh hoạt chủ động chia sẻ nguồn nước để đảm bảo phục vụ sinh hoạt, riêng huyện biên giới Ea Súp đã tổ chức khoan sâu các giếng bị cạn kiệt để khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt; triển khai nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh mương, đảm bảo dẫn nước hiệu quả; đắp đập tạm trên suối, trên các trục kênh tiêu để giữ nước; lắp đặt các trạm bơm dã chiến để khai thác nước sông, suối và dung tích chết của hồ chứa; khoan giếng để khai thác nước ngầm; bơm chuyền hoặc xả nước từ những công trình dư thừa nước hỗ trợ cho công trình vùng hạ du không đủ nước.
Duy Hậu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm