Đak Đoa hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh phong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) không ghi nhận trường hợp mắc bệnh phong mới. Ngành Y tế huyện đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để được công nhận loại trừ bệnh phong vào cuối tháng 10-2020.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa, hiện nay, toàn huyện có 41 bệnh nhân phong trú tại các xã Trang, Ia Pết, Đak Sơ Mei, Hnol, Kdang và thị trấn Đak Đoa. Các bệnh nhân này đều mắc bệnh từ năm 2017 trở về trước.
“Tất cả bệnh nhân phong ở Đak Đoa là người dân tộc Jrai và Bahnar. Trong đó, Plei Ngol (thị trấn Đak Đoa) có 22 người mắc bệnh phong. Những người mắc bệnh phong ở làng này chủ yếu là từ trước năm 1975, toàn người lớn tuổi”-bác sĩ A Mlum-cán bộ chuyên trách phòng-chống bệnh phong của Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa-cho hay.
Với mục tiêu loại trừ bệnh phong trên địa bàn, những năm qua, các cấp chính quyền cùng ngành Y tế huyện Đak Đoa đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực. Cụ thể, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa (tỉnh Bình Định) tổ chức khám sàng lọc, giám sát để kịp thời phát hiện, chữa trị cho trường hợp nhiễm mới; tiếp tục triển khai hoạt động chăm sóc, cho uống thuốc và điều trị đối với tất cả bệnh nhân; cấp các dụng cụ bảo hộ như: dép, ủng, găng tay, chậu ngâm chân… cho người bị tàn tật do bệnh phong.
Nhiều bệnh nhân được giới thiệu đến Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa điều trị. Mặt khác, bộ phận chuyên trách phòng-chống bệnh phong của Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức kiểm tra, cấp thuốc và hướng dẫn cách chăm sóc người bệnh. 
Bác sĩ A Mlum-cán bộ chuyên trách phòng-chống bệnh phong của Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa-thăm bệnh cho ông Vêuh và bà Bao. Ảnh: Hoành Sơn
Bác sĩ A Mlum-cán bộ chuyên trách phòng-chống bệnh phong của Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa-thăm bệnh cho ông Vêuh và bà Bao. Ảnh: Hoành Sơn
Từ cuối năm 2017 đến nay, Trung tâm Y tế huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về phương pháp phòng tránh bệnh phong và cách phát hiện bệnh sớm để từng bước nâng cao ý thực tự phòng bệnh của người dân. Đồng thời, Trung tâm tổ chức hàng chục lớp tập huấn kiến thức phòng-chống bệnh phong cho cán bộ lãnh đạo địa phương, già làng, người có uy tín và nhân viên y tế cơ sở để về tuyên truyền, phổ biến lại cho nhân dân.
Vợ chồng ông Vêuh-bà Bao (ở Plei Ngol) năm nay đã trên 70 tuổi và bị tàn tật nặng do bệnh phong. Ông bà đều đang uống thuốc trị bệnh phong; được cấp các dụng cụ bảo hộ để giúp việc đi lại và điều trị thuận tiện hơn.
Bà Bao chia sẻ: “Chúng tôi bị bệnh từ thời còn chiến tranh. Chồng tôi quê ở tỉnh Kon Tum. Sau khi bị bệnh phong, ông ấy lưu lạc về đây. Chúng tôi không có con cái, cũng không làm được việc gì khác ngoài chăn bò, nuôi heo, gà. Hiện tôi còn vết lở ở bàn chân trái do bệnh gây nên chứ chồng thì khỏi bệnh lâu rồi. Tháng nào cũng có y-bác sĩ đến thăm khám bệnh và cho thuốc uống; khi đau nặng thì được đưa xuống Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa điều trị. Hàng năm, vợ chồng tôi cũng được cấp thêm các dụng cụ bảo hộ phục vụ việc chữa bệnh. Người làng cũng làm theo lời khuyên của bác sĩ nên nhiều năm rồi không có người mắc phong mới”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chính-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa-cho biết: “Trong 3 năm liên tục, toàn huyện không phát hiện trường hợp nhiễm mới. Về cơ bản thì Đak Đoa đã loại trừ bệnh phong nhưng đang chờ kết quả cụ thể sau khi Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa và Sở Y tế tổ chức kiểm tra, giám sát thực tế. Dự kiến trong tháng 10-2020 sẽ công bố loại trừ bệnh phong ở huyện Đak Đoa. Sau khi công bố loại trừ, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động phòng-chống bệnh phong, tránh trường hợp lây nhiễm mới. Còn đối với bệnh nhân phong hiện tại thì tiếp tục theo dõi, chữa trị”.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm