Đặc sản sông Sê San

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ tưới mát hàng ngàn ha cây trồng và đem lại nguồn điện năng, sông Sê San còn ban tặng cho những cư dân sinh sống dọc dãy Trường Sơn nguồn thủy sản dồi dào, trong đó có nhiều loại cá quý như: anh vũ, cá lăng, cá sọc dưa… Ngày nay, đặc sản sông Sê San đã vươn tới những bàn ăn sang trọng của khắp các nhà hàng trong Nam ngoài Bắc, trở thành món ăn được săn lùng bậc nhất của giới thực khách.

Ký ức những mùa cá cũ

Trên hành trình đến dòng Sê San, chúng tôi ghé thăm làng Duch 1 (xã Ia Kreng, huyện Chư Pah) một ngày đầu tháng 9. Thời điểm này mọi năm, Tây Nguyên vẫn còn đón những trận mưa triền miên, rả rích nhưng năm nay nắng vẫn như thiêu như đốt, mặc cho hàng trăm ruộng lúa, bắp đã cháy sém. Già làng Siu Uyn năm nay trên 80 tuổi nhưng trông vẫn rắn rỏi, quắc thước. Câu chuyện về dòng Pô Cô huyền thoại như kéo già trở về với những chuỗi ký ức đẹp đẽ của một thời buôn làng người Jrai ở đây còn nguyên sơ và dòng Pô Cô vẫn chưa đổi khác.

 

Một đoạn sông Sê San. Ảnh: Duy Lê
Một đoạn sông Sê San. Ảnh: Duy Lê

Làng Duch 1 nằm chót vót trên đỉnh một quả đồi nhỏ. Dòng Pô Cô mềm mại bao quanh ôm chặt chân đồi ngày xưa nay đã hóa một hồ nước rộng lớn nhìn không thấy bờ bởi nơi đây là một phần của vùng cốt ngập lòng hồ thủy điện. “Từ ngày làm thủy điện, sông biến thành hồ lớn, dân làng Duch 1 không còn xuống đây đánh bắt cá nữa”-già Uyn ngậm ngùi. Trước đây, dòng Pô Cô bao quanh làng chỉ rộng vài chục mét, những chiếc xà lan của người dân còn dễ dàng vượt sông, tìm chỗ thác ghềnh đặt bẫy thả câu. Nay hồ lớn, cách đánh bắt thủ công của người làng đã trở nên yếu thế. Mọi thứ cứ nhỏ bé dần rồi biến mất, người dân an phận đành chịu bó tay, quên đi chuỗi ngày no ấm với dòng sông.

“Ông nội tôi trước là thợ đánh bắt cá giỏi nhất vùng này, đến đời cha tôi cũng không thua kém. Họ từng đánh được cá lăng nặng hơn 30 kg, hai người thanh niên trong làng phải khiêng về. Cá xẻ thịt chia cho người làng không hết, phải đem phơi khô, trữ lại ăn dần”-già Uyn kể lại.

Ngày xưa, người dân làng Duch 1 chỉ đánh bắt cá thô sơ. “Cá sông Pô Cô ngày ấy nhiều lắm. Dân làng chỉ cần đợi đêm xuống, cầm đèn soi là cá chen chúc kéo nhau về. Khi ấy chỉ cần cầm đinh ba mà xỉa. Hay lựa chỗ nước cạn mà đặt bẫy cá”-già Uyn nói. Bẫy cá thường áp dụng trong mùa khô, khi nước sông vơi cạn. Bẫy đơn giản chỉ là những đoạn chướng ngại vật ngăn dòng sông có chừa những khoảng nhỏ để đặt rọ. Cá gặp đoạn này nếu cố tìm đường vượt tự khắc sẽ chui vào rọ. Qua một đêm, người làng chỉ cần ghé qua, lấy cá đem về. Cá lớn để ăn, cá nhỏ lại thả về sông.

“Riêng với cá lăng, muốn câu được cá to phải dùng lưỡi câu lớn, mồi thường là chuột đồng. Chọn chỗ nước chảy xiết mà thả mới dễ đánh được cá lăng”-già Uyn chia sẻ. Cũng theo lời già Uyn, trên sông Pô Cô còn vô vàn loài cá khác. Ngoài các loại thông thường như cá chép, trắm, trôi… có thể kể đến các loài cá đặc trưng khác: cá lăng, sọc dưa, anh vũ... Trong đó, to lớn nhất phải kể đến loài cá noi. Có con nặng đến cả tạ. “Vì nó to lớn quá, người ta tương truyền cá noi còn ăn cả thịt người nên người làng không bao giờ xẻ thịt ăn...”.

 

Kỹ lưỡng ken chặt từng sợi nan lại với nhau. Ảnh Lê Hòa
Kỹ lưỡng ken chặt từng sợi nan lại với nhau. Ảnh: Lê Hòa

Trở thành đặc sản

Với người Jrai, cá lăng là một trong những loại cá được yêu thích nhất. “Nó ưa vùng nước xiết nên thịt chắc, trắng và thơm ngon hơn cả thịt gà. Nếu bắt được cá lăng thường thì đem về nướng chấm với muối ớt giã nhuyễn cùng lá é, hay nấu cùng măng chua”-già Uyn cho biết. Tuy nhiên, còn có một cách chế biến đặc biệt mà người Jrai nơi đây vừa để trữ cá trong thời gian dài, vừa để dùng tiếp đãi khách quý. Đó là món cá lăng bỏ ống lồ ô gác bếp. “Cá lăng xắt thành miếng như bàn tay, sau đó xâu lại, phơi nắng cho khô. Chọn ống lồ ô bánh tẻ rồi bỏ cá lăng khô lẫn muối vào, nút kín và gác trên gác bếp. Tới khi ăn chỉ cần đem ra nướng lại, chấm muối ớt lá é cho thơm”-già Uyn mô tả.

“Tiếng lành đồn xa”, cá sông Sê San đã đến với nhiều vùng miền khác. Nếu tìm trên google với những cụm từ “đặc sản Gia Lai” hay “những món ngon của Gia Lai” chắc chắn sẽ có phần nhắc đến món cá lăng đặc sản sông Sê San. Bởi vậy, hiện nay, hễ đến nhà hàng to, nhỏ trên địa bàn TP. Pleiku hỏi món cá lăng, có lẽ khó có nhà hàng nào nói không với thực khách. Khách phương xa, ai từng được thưởng thức món cá lăng hẳn sẽ chẳng dễ quên bởi hương vị thơm ngon đặc trưng của loài cá ưa ngược sông, ngược thác ghềnh ấy. Cá lăng qua đôi bàn tay tài hoa của những người đầu bếp nhà hàng có thể được nấu với măng hoặc dưa cải muối chua, nấu lẩu, nấu canh khổ qua hay đơn giản là nướng chấm muối ớt, làm chả cá, bóp gỏi… Bằng cách nào thì cũng vẫn thơm ngon tuyệt đỉnh.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm