Những dư âm liên quan cuộc đào thoát khỏi Nhật của ông Carlos Ghosn - cựu chủ tịch Hãng ôtô Nissan, vẫn chưa hết yếu tố ly kỳ.
Hình ảnh trích xuất từ camera an ninh của sân bay Istanbul cho thấy Michael Taylor (phải) và George-Antoine Zayek đã có mặt tại cửa kiểm soát hộ chiếu vào cuối giờ sáng 30-12-2019 - Ảnh: Cắt từ clip |
Ngày 17-1, Hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu tiên công bố hình ảnh hai người đàn ông bị cáo buộc tiếp tay cho Carlos Ghosn bỏ trốn khỏi Nhật Bản nhằm tránh bị xét xử về các tội danh sai phạm tài chính.
Các hình ảnh trích xuất từ camera an ninh của sân bay cho thấy hai đối tượng Michael Taylor và George-Antoine Zayek đã có mặt tại cửa kiểm soát hộ chiếu ở sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Theo báo Wall Street Journal, Taylor là một cựu đặc nhiệm Mỹ và hiện làm việc với tư cách một nhà thầu an ninh tư nhân.
Ông Carlos Ghosn, 65 tuổi, đã được thuê làm lãnh đạo Hãng Nissan trong hai thập niên và tạo ra một trong những liên minh ôtô lớn nhất thế giới cùng hai hãng xe Renault (Pháp) và Mitsubishi Motors (Nhật Bản).
Tháng 11-2018, ông bị nhà chức trách Nhật Bản bắt giữ với các cáo buộc gian lận tài chính, trong đó có việc không kê khai khoản thù lao ông được nhận khoảng 9 tỉ yen (tương đương 83 triệu USD) trong 8 năm và lạm dụng tín nhiệm sử dụng tiền của Hãng Nissan phục vụ lợi ích cá nhân. Ông Ghosn đã phủ nhận tất cả các tội danh.
Ông Carlos Ghosn trả lời phỏng vấn độc quyền với Hãng tin Reuters tại căn hộ ở thủ đô Beirut (Libăng) ngày 14-1-2020 - Ảnh: REUTERS |
Ông Ghosn đã bất ngờ trốn khỏi Nhật vào ngày 29-12-2019 trong khi đang được tại ngoại chờ xét xử.
Thông tin đã gây chấn động một thời gian bởi nó chẳng khác vụ vượt ngục và người ta suy đoán ngay rằng đó là cuộc đào thoát có tính toán và có trợ giúp.
Các điều tra sau đó nhanh chóng tìm ra con đường đi của nhà cựu lãnh đạo doanh nghiệp có quốc tịch Pháp.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ông Ghosn đã xuống một sân bay nhỏ có tên Ataturk và sau đó đã lên một máy bay phản lực tư nhân khác để tới Libăng nơi ông có quốc tịch gốc.
Ngày 9-1, Libăng đã ban bố lệnh cấm đi lại đối với ông Carlos Ghosn sau khi các nhà điều tra hoàn tất việc thẩm vấn ông này. Trong buổi họp báo thủ đô Beirut hôm 8-1, ông Ghosn cho biết việc ông bí mật rời về quê hương Libăng là nhằm tìm lại công bằng cho bản thân. Ông khẳng định bị các công tố viên ở Tokyo đối xử thô bạo và là nạn nhân của một âm mưu thông đồng để lật đổ ông khỏi vị trí điều hành Nissan. Ông đồng thời bày tỏ hi vọng nước Pháp, nơi ông có tư cách công dân, sẽ ủng hộ trong cuộc chiến pháp lý này. Ông từ chối trả lời về cách thức ông rời khỏi Nhật Bản. |
Ông Carlos Ghosn cùng vợ là bà Carole Ghosn chụp kiểu ảnh sau cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với Hãng tin Reuters tại căn hộ ở thủ đô Beirut (Libăng) ngày 14-1-2020 - Ảnh: REUTERS |
Hãng tin Anadolu cho biết hai đối tượng Taylor và Zayek đi cùng với ông Ghosn từ Nhật Bản đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sau đó họ đã đến sân bay chính của Istanbul và lên một chuyến bay khác của Hãng hàng không Libăng Lebanese Airways để tới thủ đô Beirut của Libăng.
Thật ra, từ tối 16-1, Hãng thông tấn Demirören Haber Ajansı (DHA) cũng của Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố đoạn video trích từ camera an ninh của sân bay cho thấy hình ảnh Michael Taylor và George-Antoine Zayek đi qua cửa kiểm tra hộ chiếu ở sân bay Istanbul vào cuối buổi sáng 30-12-2019, trước khi lên máy bay rời Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong quá trình điều tra, theo báo Daily Mail, lực lượng chức năng Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 7 người tình nghi dính líu tới vụ bỏ trốn của ông Ghosn, trong đó bao gồm cả các nhân viên của MNG - công ty sở hữu chiếc máy bay phản lực tư nhân mà ông Ghosn sử dụng.
Công ty MNG cho biết đã nộp đơn khiếu nại hình sự về việc máy bay của họ đã bị sử dụng một cách bất hợp pháp.
Theo TƯỜNG NGUYỄN (TTO)