(GLO)- Củi cưới, củi hứa hôn… là các cách gọi cho một loại củi độc đáo trong phong tục tập quán đồng bào dân tộc Giẻ ở huyện Đak Glei, cực Bắc Kon Tum. Người Giẻ gọi là loong xare, hoặc loong chier. Độc đáo ở chỗ chỉ người Giẻ có tục củi cưới, người Triêng ở gần đó lại không có.
Từ những đôi tay khéo léo
Ngày nay, đến vùng này, khách “chịu khó” rẽ sang các tỉnh lộ, hương lộ, vào các xã đồng bào Giẻ ở 2 bên quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) sẽ bắt gặp những đống củi to đều đặn, được xếp ngay ngắn, cao đụng hiên nhà. Đó là củi cưới của các cô gái Giẻ chuẩn bị cho ngày “bắt chồng”.
Con gái Giẻ trước đây có lệ lấy chồng sớm, thường ở độ tuổi từ 16 đến 18. Do vậy, chừng 14-15 tuổi là các cô đã bắt đầu đi rừng gom củi gùi về xếp dần quanh nhà. Gom được càng nhiều càng tốt. Thế cho nên hễ cứ thấy nhà nào có đống củi kiểu ấy thì biết nhà ấy có con gái sắp đến tuổi lấy chồng.
Củi cưới thể hiện sự siêng năng, khéo léo của các cô gái Giẻ. Ảnh: internet |
Củi hứa hôn được làm rất kỳ khu, cẩn thận, chứ không như củi thường dùng hàng ngày. Trước hết phải chọn loại cây gỗ khi khô sẽ nứt theo sớ dọc, dễ chẻ. Được chọn nhiều nhất là cây gỗ dẻ do chắc thịt, dễ chẻ, cháy tốt và đượm than. Kích cỡ cây chọn làm củi thường có đường kính trên dưới 10 cm. Củi được chặt thành đoạn trên dưới 1 m, và phải giữ độ dài ấy đều đặn cho cả đống lớn, không được dài ngắn thất thường!
Trước khi xếp các khúc củi vào để bó (mỗi bó trên dưới 10 súc, tùy theo độ to nhỏ của cây) các cô gái dùng rìu băm bổ những nhát cạn dọc quanh thân súc gỗ, để khi khô sẽ nứt thành những tép nhỏ. Thoạt nhìn ngỡ đã chẻ rời nhưng kỳ thật vẫn dính nhau theo từng súc một. Do đó, khi nhìn vào 2 đầu đống củi sẽ thấy “chùm phức hợp” rạn nứt ấy như một tổ hợp hoa văn, trông giống chòm sao lớn, rất đẹp mắt. Chỉ nhìn hai đầu củi thôi đã thấy cả một kỳ công của các cô gái. Và đấy là thước đo sự khéo léo của các cô.
Số củi này sẽ được các cô gái mang về nhà chồng vào đám hỏi và đám cưới. Đám hỏi nộp ít hơn, khoảng dăm ba chục bó. Đám cưới nộp nhiều hơn, có khi đến cả trăm, vài ba trăm bó, tùy theo số lượng dự trữ được của cô gái. Thường thì các cô cố gắng có được càng nhiều càng tốt, vì ngại nhà chồng chê mình lười nhác. Nếu gần đến ngày nộp củi mà bản thân cô gái chưa chuẩn bị được nhiều như ý muốn thì cả gia đình, họ tộc được huy động đến để… làm giúp. Đến khi nào thấy “dễ coi” thì thôi.
“Chặt cây rừng làm củi là không đúng nữa rồi!”
Lần ấy, không có dịp đi sâu thêm vào các xã, sẵn đang đứng gần làng Đông Lốc cạnh ngay chân đèo Lò Xo (thuộc xã Đak Man, huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum), chúng tôi tạt vào một ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng có đống củi to nhất, đẹp nhất. Cả nhà đi rẫy vắng, chỉ có cô gái Y Nhung (18 tuổi) ở nhà.
Có nhìn thấy những đống củi đều chằn chặn xếp dọc dài cao chạm chái hiên, như một công trình nghệ thuật kia, mới thấy quý phục sự khéo tay và tinh thần nhẫn nại của các cô gái Giẻ. Thấy Y Nhung vui vẻ, vô tư, và “hay chuyện”, chúng tôi hỏi thêm về phong tục. Y Nhung cho biết không như trước đây chỉ có con gái “bắt chồng” mà ngày nay đã có nhiều chàng trai chủ động “bắt vợ” rồi. Nhưng dẫu là trai hay gái chủ động trong việc kết hôn thì các cô gái vẫn cứ phải có củi này cho ngày cưới hỏi. Y Nhung còn bảo thêm: “Bây giờ cấm chặt phá rừng, giao rừng cho bà con quản lý rồi, chặt phá cây non, cây xanh là không đúng nữa. Nhưng phong tục thì phải làm theo. Có điều bây giờ bà con cũng thông cảm, cho nộp ít thôi, chủ yếu là tìm cây khô. Bắt chồng mà không có củi thì… kỳ lắm!”.
Tiện đường, chúng tôi ghé thăm và hỏi chuyện Thiếu tướng Đinh Hồng Đe-nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam, người dân tộc Giẻ, quê xã Đak Blô, đang nghỉ hưu tại quê nhà Đak Glei này. Ông tướng Biên phòng quắc thước tươi tỉnh hẳn lên, bảo rằng trước đây đúng là có phong tục củi cưới như vậy, nhưng ngày nay có khác hơn rồi. Ví dụ như vừa rồi ông cho khai thác vườn cây bời lời của gia đình, sau khi bóc vỏ bán, phần thân gỗ còn lại phơi khô để dành làm củi đốt dần. Một hôm có cô cháu gái trong họ hàng đến thưa xin phần gỗ bời lời ấy để làm củi hứa hôn vì đã sắp ngày cưới mà cô chưa chuẩn bị được nhiều, “khó coi” với nhà trai quá! Cô bảo không muốn chặt phá cây non của rừng nữa, và nhà trai cũng đã ủng hộ việc này.
Có lẽ từ những suy nghĩ tiến bộ này mà gần đây ở vùng đồng bào Giẻ nơi cực Bắc Tây Nguyên này có phong trào trồng vườn rừng, trong các khuôn vườn rừng ấy luôn xen nhiều loại cây như bời lời, quế, keo, tràm… Sau khi khai thác vỏ, phần thân gỗ còn lại và những cây không đúng quy chuẩn bán buôn, sẽ dùng làm củi cưới cho các cô con gái “rượu” của nhà. Như vậy, vẫn giúp giữ được phong tục của dân tộc mà cũng vẫn bảo vệ được hệ sinh thái, môi trường thiên nhiên. Thật là lợi cả đôi đường!
Tạ Văn Sỹ