(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị tổng kết 10 năm chỉ thị 17- CT/TW của Ban Bí thư và Thông tri số 13-TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: V.H |
Hội nghị được tổ chức chiều 11-10, tại Hội trường 2-9, TP. Pleiku. Các đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Lê Phan Lương-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đồng chí Tỉnh ủy viên, Thường trực và lãnh đạo các Ban Tuyên giáo các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW và Thông tri số 13 Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác tuyên truyền miệng là hình thức tuyên truyền đặc biệt, góp phần chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Qua đó, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước; đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn.
Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 100 hội nghị báo cáo viên cho trên 10.000 lượt báo cáo viên các cấp. Bên cạnh đó, đã tổ chức nhiều hội nghị thông tin chuyên đề do báo cáo viên chuyên ngành của Trung ương về báo cáo cho hơn 18.000 lượt cán bộ chủ chốt toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 5 đồng chí là báo cáo viên Trung ương, 43 đồng chí là báo cáo viên Tỉnh ủy, 608 báo cáo viên cơ sở và trên 8.200 tuyên truyền viên. Trong đó có nhiều báo cáo viên là giáo viên, cán bộ y tế, già làng, người có uy tín trong cộng đồng trực tiếp làm công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại hội nghị các đại biểu đã phát biểu thảo luận nêu lên những cách làm hay và sáng tạo trong việc thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí thư và Thông tri 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như nêu lên một số giải pháp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này trong thời gian tới. Theo đó, công tác tuyên truyền miệng cần hướng về cơ sở, thực hiện thông tin hai chiều, tích cực đối thoại trong tuyên truyền miệng, giải quyết kịp thời những bức xúc đặt ra từ cuộc sống. Đổi mới phương thức, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền miệng; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên gắn với việc huy động toàn Đảng và cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác tuyên truyền miệng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn đã biểu dương những kết quả mà các địa phương, đơn vị đã đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí thư và và Thông tri 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phó Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Thời gian tới công tác tuyên truyền miệng phải đi trước và đi cùng với quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Công tác tuyên truyền miệng phải thực hiện với phương châm, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đủ, hiểu đúng, hiểu rõ để tham gia tích cực các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, đơn vị. Công tác này phải hướng về cơ sở, đưa thông tin đến các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có đạo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối thoại với nhân dân và giải quyết tốt các bức xúc của nhân dân.
Ảnh: V.H |
Nhân hội nghị này, UBND tỉnh Gia Lai đã tặng bằng khen cho 10 tập thể và 9 cá nhân vì đã có những thành tích xuất sắc trong công tác góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.
Vĩnh Hoàng