(GLO)- Tại hội nghị cán bộ toàn tỉnh vào đầu tháng 8 vừa qua, Tỉnh ủy Gia Lai đã dành thời gian để nghiên cứu, tiếp thu và Ban Thường vụ Tỉnh ủy sau đó đã đề ra chương trình (số 58-CTr/TU, ngày 23-8) thực hiện Nghị quyết Trung 7 (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Công tác dân vận luôn được Đảng ta coi trọng, là một trong những nội dung của công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa trong thanh niên dân tộc thiểu số. Ảnh: Thanh Nhật |
Đánh giá những kết quả đã làm được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẳng định: Đảng bộ luôn quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt công tác dân vận, theo đó đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Bộ máy trong hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội được kiện toàn, củng cố, đổi mới phương thức hoạt động, giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nhờ vậy đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, người dân đã bước đầu tự giác tham gia các cuộc vận động xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy vậy, cũng theo nhận định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mấy năm qua trên địa bàn của Gia Lai, tình hình tổ chức triển khai thực hiện công tác dân vận còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Đó là, không ít cơ quan, địa phương, cấp ủy và cán bộ, công chức còn xem nhẹ lĩnh vực công tác dân vận; có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không hoặc chưa đến được với người dân.
Một số chính sách chưa vì dân và dân không thuận-lòng dân chưa đồng thuận, bởi phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ở không ít nơi nó vẫn chỉ là khẩu hiệu. Tình hình, tâm trạng về tư tưởng, xã hội của nhân dân nhiều cán bộ cơ sở không nắm được vì tình trạng quan liêu, xa cơ sở, xa dân chưa được đẩy lùi, cho nên những bức xúc của nhân dân chưa được nghiêm túc xem xét giải quyết cho thấu tình đạt lý, để tình hình khiếu kiện trong một số lĩnh vực, nhất là đất đai kéo dài và đã có vài nơi xảy ra “điểm nóng”, làm mất an ninh trật tự ở cơ sở. Nghiêm trọng hơn, lợi dụng tình hình ấy, bọn phản động đã lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số gây rối ở một số địa phương.
Những tồn tại hạn chế nói trên xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó là sự nhận thức chưa đúng vai trò, vị trí về công tác dân vận, nhất là trong tình hình hiện nay, với cơ chế thị trường tác động, sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội ngày càng có chiều hướng tăng. Đã vậy, bộ máy của một số cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể ở cơ sở không mạnh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, ít chịu học tập rèn luyện… Điều đó tác động không nhỏ làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền.
Từ thực trạng tình hình và nguyên nhân nói trên, để tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu mục tiêu, quan điểm nhận thức và lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian đến về công tác dân vận, đặc biệt là những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; củng cố mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước là nội dung hàng đầu trong Chương trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 của tỉnh.
Ban Thường vụ đồng thời cũng đã đề ra nhiệm vụ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới. Đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội. Xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận…
Vận dụng Nghị quyết Trung ương 7 về công tác dân vận trong tình hình mới trên địa bàn Gia Lai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngoài những nhiệm vụ chủ yếu nói trên đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, theo người viết bài này là công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, nhắm tới những lợi ích vật chất và tinh thần của mỗi người dân, thực hiện nghiêm túc phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thành tựu sau khi “dân làm” dân phải được hưởng. Nghe dân nói một cách chân tình, khiêm tốn và tiếp thu có chọn lọc; nói cho dân nghe, giải thích cho dân hiểu và cùng người dân làm cho dân làm theo, không nói suông, đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thể cầm tay chỉ việc.
Cơ sở, nơi cộng đồng dân cư và đồng bào các dân tộc là địa chỉ, là địa bàn, là “mặt trận” của công tác dân vận. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải là người gương mẫu, là “người đi trước”, nói và làm theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước thì mới mong “làng nước theo sau” như lời Bác Hồ từng dạy!
Bích Hà