UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa ban hành quyết định công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn thành phố Huế. Vẫn còn nhiều băn khoăn xung quanh quyết định này.
Biệt thự số 26 Lê Lợi, công trình mang đặc trưng của kiến trúc thời Pháp thuộc. Ảnh: H.V.M |
Việc công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, theo ông Lê Toàn Thắng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế là nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư để bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của 27 công trình trên.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên - Huế - đây là một quyết định khá khó hiểu bởi trong số 27 công trình kiến trúc được nêu có 2 công trình không phải là kiến trúc Pháp.
Hiện ở Huế có nhiều hơn con số 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, nhưng vì sao chính quyền lại chỉ đầu tư để bảo tồn, tôn tạo có chừng đó? GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng nếu danh mục kiến trúc Pháp tiêu biểu ở Huế chỉ 27 công trình như vậy thì thay vì bảo tồn di sản đô thị thời thuộc Pháp tại Huế hóa ra lại thành bảo tồn những công trình đơn lẻ.
Theo ông Kính, 27 công trình ấy không thể đại diện cho cả một giai đoạn tham gia của kiến trúc thời Pháp thuộc ở Huế, bởi con số ít ỏi trên không thể góp phần tạo dựng diện mạo đô thị được.
Đặc biệt là biệt thự số 26 Lê Lợi, trụ sở của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế từ năm 1975 đến nay. Đây là công trình mang đặc trưng của kiến trúc thời Pháp thuộc có sự giao thoa với kiến trúc bản địa; là một bộ phận không thể thiếu đối với giá trị kiến trúc cảnh quan dọc đường Lê Lợi đẹp nhất Huế lại không có tên trong quyết định. Dư luận băn khoăn là liệu công trình này sẽ bị đập bỏ trong nay mai?
Vì “theo quan điểm chung của tỉnh thì sẽ đập bỏ để nhượng đất phục vụ việc phát triển đô thị Huế theo quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương” - lời ông Lê Toàn Thắng. Và cũng theo ông Thắng thì không phải công trình kiến trúc Pháp nào cũng là tiêu biểu, cũng có giá trị và cần cân nhắc để tránh cản trở sự “phát triển” trong xây dựng đô thị.
Và vì mới đây, tỉnh Thừa Thiên -Huế cũng đã đồng ý cho phép một doanh nghiệp nghiên cứu để đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp tại khu đất số 26-28 đường Lê Lợi, TP.Huế.
Và vì theo quy hoạch chi tiết khu trung tâm phía nam thành phố Huế đã phê duyệt năm 2005, thì sẽ chuyển đổi trụ sở các cơ quan trên đường Lê Lợi sang mục đích phục vụ công cộng và dịch vụ du lịch.
Tại phiên chất vấn của kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên -Huế chiều 12-7, nhiều đại biểu chất vấn về việc có nhiều công trình không phải xây dựng vào thời Pháp thuộc, vậy thì quyết định này là nhằm bảo tồn kiến trúc thời Pháp hay là công trình mang phong cách kiến trúc thời Pháp.
Ông Hoàng Hải Minh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trả lời, trong quá trình nghiên cứu đã lấy ý kiến các sở ngành, các chuyên gia, thì “việc này là dựa trên giá trị nghệ thuật kiến trúc mang… giá trị kiến trúc Pháp, chứ không phải là xây dựng thời Pháp”. Và theo ông Minh, danh sách này không dừng lại 27 công trình, mà sẽ tiếp tục bổ sung trong thời gian tới.
Nói như ông Hoàng Hải Minh thì sắp tới ở Huế, cứ công trình nào được xây dựng không kể mới hay cũ, chỉ cần có giá trị nghệ thuật kiến trúc mang giá trị kiến trúc Pháp thì đều có cơ hội được chính quyền đưa vào diện bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị?
Hoàng Văn Minh (LĐO)