Trong tháng 8, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đón 10.255 lượt khách tham quan, nâng tổng số khách du lịch đến Côn Đảo từ đầu năm đến nay lên hơn 61 ngàn lượt, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2011.
Khi đề án “Phát triển kinh tế- xã hội Côn Đảo đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10-2005, địa bàn Côn Đảo đã được hưởng một số cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi của Chính phủ về nguồn vốn đầu tư và có những điều kiện thuận lợi hơn để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác.
Tiếp đó, định hướng chiến lược phát triển Côn Đảo được xác định trong đề án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2030 và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020, tầm nhìn 2030 xây dựng năm 2011 nhấn mạnh: Côn Đảo sẽ trở thành khu kinh tế du lịch - dịch vụ chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển các loại hình du lịch biển, đảo, sinh thái, nghỉ dưỡng, di sản văn hóa, lịch sử.
Đến nay, Côn Đảo đã thu hút được 12 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký hơn 52 triệu USD, trong đó có 2 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 3 dự án đang triển khai và 2 dự án đã được cấp phép. Trên địa bàn huyện cũng đã có 9 dự án đầu tư trong nước đã được cấp phép, với tổng vốn đăng ký hơn 1.000 tỉ đồng, trong đó đã có 5 dự án đi vào hoạt động... Các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn hiện đại đã mọc lên. Nổi bật có dự án resort Đất Dốc 100% vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư 38 triệu USD; Dự án khách sạn 3 sao Sài Gòn-Côn Đảo của TCty du lịch Sài Gòn, vốn đầu tư 100 tỉ đồng…
Để tiếp tục tạo sức hút, đưa Côn Đảo trở thành một khu du lịch - dịch vụ chất lượng cao, thời gian tới Chính phủ cho phép áp dụng thêm một số chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư của nhà nước đối với các dự án đầu tư vào Côn Đảo.
Ông Lê Văn Vận - Phó trưởng Ban Quản lý Phát triển Côn Đảo cho biết, hai “sản phẩm” chính của Côn Đảo là du lịch sinh thái và du lịch về nguồn. Bởi vậy, các chính sách thu hút đầu tư cho Côn Đảo chủ yếu tập trung vào ngành du lịch. Nếu các chính sách ưu đãi đầu tư nói trên được Chính phủ thông qua sẽ là điều kiện thuận lợi để Côn Đảo hình thành các khu nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực và thế giới trong tương lai không xa.
Cùng với những chính sách ưu đãi mới và thông tin Côn Đảo sắp trở thành một khu Ramsar mới của VN, du lịch Côn Đảo đang hứa hẹn sự khởi sắc trong tương lai gần. Trong tháng 8, huyện Côn Đảo đón 10.255 lượt khách tham quan, nâng tổng số khách du lịch đến Côn Đảo từ đầu năm đến nay lên hơn 61 ngàn lượt, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó có 9.596 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 186 tỉ đồng, tăng 106% so với cùng kỳ năm 2011.
Theo Chinhphu.vn
Vườn Quốc gia Côn Đảo hội tụ nhiều yếu tố để trở thành khu Ramsar mới Nhiều chuyên gia của quốc tế khi đến tìm hiểu về Vườn Quốc gia Côn Đảo đều đánh giá, ở đây hội tụ cả 4 hệ sinh thái rừng, biển rất đặc sắc và hiếm có trên thế giới. Theo thống kê, Vườn Quốc gia Côn Đảo hiện có 14.000 ha đất ngập nước với các hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, hệ sinh thái cỏ biển được bảo vệ khá nguyên vẹn. Nơi đây đang là nơi trú ngụ của nhiều loài vật biển quý hiếm như bò biển (dugong), rùa biển, một số loài chim di cư… Được biết, Việt Nam hiện có 4 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar của thế giới, tuy nhiên chưa có khu Ramsar biển nào. Việc Vườn Quốc gia Côn Đảo được công nhận là khu Ramsar sẽ nâng cao vị thế, tầm quan trọng, sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đồng thời đề cao ý thức cũng như có các cơ chế bảo vệ, gắn với phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, nhất là trong lĩnh vực du lịch. |