Cơ hội nào cho doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Các biện pháp phòng vệ áp dụng với đường Thái Lan nhập khẩu tạo thuận lợi rõ rệt tới các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước, giúp các các doanh nghiệp nội địa giành lại thị phần.

 Người dân vùng trồng mía nguyên liệu thu hoạch mía. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)
Người dân vùng trồng mía nguyên liệu thu hoạch mía. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)


Giá đường tăng và chính sách bảo hộ áp dụng lên đường Thái Lan đang tạo thuận lợi rõ rệt tới các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước, giúp các doanh nghiệp nội địa giành lại thị phần và mở ra câu chuyện tăng trưởng trong dài hạn.

Lợi nhuận tăng mạnh nhờ giá tăng

Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán: QNS) cho biết, quý 3 năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 2.114,6 tỷ đồng và 348,1 tỷ đồng, tăng lần lượt 14,6% và 49,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mảng đường tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi khi doanh thu mảng này tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi có vùng nguyên liệu rộng khoảng 30.000 ha và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng trong nhưng niên vụ tới khi được hưởng lợi trực tiếp từ giá đường tăng và chính sách đối với đường Thái Lan.

Biên lợi nhuận mảng đường được cải thiện từ 3,18% năm 2020 lên 20,88% trong 9 tháng đầu năm 2021. Bên cạnh đó, sản lượng mía tăng cũng giúp tăng sản lượng đầu vào cho mảng điện sinh khối của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi.

Không giống như Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, các doanh nghiệp ngành mía đường như Công ty cổ phần Đường Thành Thành Công (mã chứng khoán: SBT), Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (mã chứng khoán: LSS), Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã chứng khoán: SLS)… có năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/7 và kết thúc vào 30/6 năm sau.

Các công ty này vừa có báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 niên vụ 2021-2022 (giai đoạn từ 1/7/2021 đến 30/9/2021). Theo báo cáo, Công ty cổ phần Thành Thành Công-Biên Hòa-TTC Sugar (mã chứng khoán: SBT) có doanh thu thuần đạt 4.312 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ niên vụ trước. Mảng đường vẫn đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu khi các dòng sản phẩm đường ghi nhận 4.123 tỷ đồng, chiếm gần 96%.

TTC Sugar có lợi nhuận trước thuế 262 tỷ đồng, tăng 96% so quý cùng kỳ năm trước, hoàn thành 35% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 195 tỷ, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ niên vụ 2020-2021.

Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (mã chứng khoán: LSS) cũng vừa báo cáo doanh thu quý 1 niên độ 2021-2022 đạt 303 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ; lợi nhuận ròng 7,4 tỷ đồng, gấp 4,7 lần so với cùng kỳ niên vụ 2020-2021.

Cũng trong quý 1 niên độ 2021-2022, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã: SLS) có doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 146,4 tỷ đồng và 33,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 34,7% và 129,4% so với cùng kỳ niên độ 2020-2021.

Công ty cổ phần Mía đường Sơn La sở hữu vùng nguyên liệu có điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết thuận lợi cho mía có chữ đường cao nên giá thành sản xuất đường của doanh nghiệp thấp, biên lợi nhuận cao so với các doanh nghiệp khác.

Diện tích vùng nguyên liệu dự kiến tăng thêm 20% trong niên vụ 2021-2022 lên khoảng là 9.300ha. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco),hiện Công ty cổ phần Mía đường Sơn La là doanh nghiệp đường duy nhất trên sàn được hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu doanh nghiệp mía đường cũng được đà tăng mạnh. Theo đó từ đầu năm tới nay, SBT tăng gần  11%, QNS tăng gần 30%, LSS tăng hơn 113%, SLS tăng 130,4%.

Cơ hội cho doanh nghiệp có vùng nguyên liệu lớn

Chuyên gia phân tích từ Agriseco cho biết, các biện pháp phòng vệ áp dụng với đường Thái Lan nhập khẩu tạo thuận lợi rõ rệt tới các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước, giúp các các doanh nghiệp nội địa giành lại thị phần và mở ra câu chuyện tăng trưởng trong dài hạn.

 

Vận chuyển sản phẩm tại Nhà máy Mía đường Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)
Vận chuyển sản phẩm tại Nhà máy Mía đường Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)


Bên cạnh đó, theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nguồn cung trong nước cũng đang giảm khi diện tích và sản lượng mía giảm nhiều trong những năm qua, dẫn tới việc 17/41 nhà máy đã đóng cửa hoặc phá sản trong các năm gần đây. Điều này sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp đường có vùng nguyên liệu lớn trong ngành.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2021-2022 dự báo sẽ là một năm khởi sắc của ngành đường Việt Nam sau khi có Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm, dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Vụ chế biến 2021-2022 dự kiến còn 24 nhà máy đường hoạt động, với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày.

Trong quý 1 niên độ 2021-2022, giá đường thế giới tăng từ ngưỡng 17 UScent lên xấp xỉ 20 UScent/pound, mức cao nhất kể từ năm 2017 do điều kiện thời tiết kém thuận lợi ở Brazil (nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới), sản lượng đường ở khu vực Trung Nam Brazil ước tính sụt giảm 11% trong nửa cuối tháng 7.

Giá đường trong nước đang ở mức cao nhất trong 4 năm qua và Agriseco dự báo giá đường sẽ tiếp tục tăng, giữ ở mức cao trong thời gian tới, qua đó giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nội địa sau nhiều năm giá đường sụt giảm và không cạnh tranh được với đường nhập khẩu.

Thêm vào đó là tình hình thời tiết thuận lợi sẽ là động lực để mở rộng trở lại vùng trồng, giúp tăng sản lượng tiêu thụ, dự kiến niên vụ tới sản lượng mía đưa vào ép tăng hơn 25%.

Lý giải về việc giá đường tăng trong thời gian qua, các chuyên gia từ Agriseco cho biết, sản lượng đường tại một số quốc gia xuất khẩu đường lớn trên thế giới như Brazil và Thái Lan sụt giảm mạnh gây ra thâm hụt đường trên toàn cầu. Xu thế này được dự báo sẽ tiếp diễn trong niên vụ tới và giá đường toàn cầu đang trong đà tăng mạnh mẽ.

Giá đường thế giới đang trong xu hướng tăng từ niên vụ 2020-2021 do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cùng với sản lượng tại Brazil và Thái Lan sụt giảm mạnh do thời tiết không thuận lợi.

Đây là 2 quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới niên vụ 2020-2021 khi lần lượt chiếm 50% và 11% sản lượng đường xuất khẩu.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, theo báo cáo của các nhà máy đường dự kiến còn hoạt động trong vụ 2021-2022, diện tích mía thu hoạch 148.196 ha. Sản lượng mía đưa vào chế biến 8.599.409 tấn. Sản lượng đường 873.283 tấn.

Trong niên vụ tới, ngành mía đường sẽ củng cố phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, đặc biệt trong điều kiện cạnh tranh cây trồng ngày càng gia tăng tại các địa phương.

Để củng cố và phát triển chuỗi liên kết, các nhà máy đường cần xác định minh bạch hóa khâu phân tích chữ đường và đánh giá tỷ lệ trừ tạp chất của các nhà máy đường, tạo sự tin tưởng của nông dân đối với nhà máy đường, để nông dân yên tâm đầu tư thâm canh tăng năng suất và chữ đường, đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Theo Văn Giáp (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.