Gia Lai: Chỉ đạo sản xuất mía đường theo hướng hội nhập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiệp định Thương mại hàng hóa khối ASEAN (ATIGA) có hiệu lực đã tác động đến sản xuất đường trong nước do thuế nhập khẩu đường vào Việt Nam giảm (từ mức 40% năm 2017 xuống còn 5% từ năm 2018), sản xuất đường trong nước buộc phải cạnh tranh với đường nhập khẩu giá thành thấp từ các nước trong khu vực (đường Thái Lan). Hiện nay giá đường trong nước chỉ còn 10.500 đồng đến 11.000 đồng/1 kg, giá đường giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất, thu mua mía của các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh và đặc biệt là ảnh hưởng đến thu nhập... 
 Xe vận chuyển nguyên liệu mía về nhà máy. Ảnh: T.N
Xe vận chuyển nguyên liệu mía về nhà máy. Ảnh: T.N
Để giảm thiểu tác động trên, UBND tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 477/UBND-NL chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đẩy nhanh việc thực hiện rà soát đánh giá điều chỉnh bổ sung vùng nguyên liệu mía vào quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh đến 2025 và tầm nhìn đến 2030 phù hợp với tiến trình hội nhập ATIGA để đảm bảo khả năng cạnh tranh và giúp người trồng mía có lợi nhuận để ổn định cuộc sống. Đối với vùng trồng mía không có khả năng cạnh tranh cần tính toán chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn. 
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp  với các sở, ngành địa phương liên quan tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch xây dựng các cánh đồng mía lớn, đưa cơ giới hóa vào các khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch nhằm giảm chi phí đầu và tăng năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm mía đường, nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu năng suất, chất lượng cao và bền vững theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bố trí lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện tốt các dự án đầu tư được phê duyệt nhằm tạo điều kiện cho mía đường đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các nhà máy đường thực hiện chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật sản xuất đến người trồng mía. Xây dựng các mô hình sản xuất mía với giống năng suất cao, theo quy trình sản xuất tiên tiến hiện đại và nhân rộng các mô hình. Chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan kiểm tra tình hình chấp hành việc thực hiện theo quy hoạch vùng nguyên liệu mía của các công ty, nhà máy chế biến đường, đề xuất UBND tỉnh xử lý những doanh nghiệp cố tình tranh chấp đầu tư, thu mua nguyên liệu và tự ý mở rộng vùng nguyên liệu không đúng quy hoạch. 
Bên cạnh đó UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra hướng dẫn các nhà máy chế biến đường chấp hành tốt chính sách của nhà nước về đầu tư và thu mua nông sản thông qua hợp đồng và theo đúng quy hoạch. Yêu cầu các doanh nghiệp thu mua mía và chế biến đường trên địa bàn tỉnh công khai giá thu mua mía nguyên liệu sao cho đảm bảo quyền lợi của người sản xuất-nhất là trong thời điểm giá thị trường xuống thấp không để xảy ra tình trạng tư thương ép giá nợ tiền mua mía của nông dân. Kiểm tra giám sát việc đầu tư nâng cấp các nhà máy chế biến đường đảm bảo công nghệ hiện đại, công suất phù hợp với vùng nguyên liệu và vùng quy hoạch. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc đánh giá chữ đường và tạp chất, công bố cho người trồng mía nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông dân. 
UBND các huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ, Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, thị xã Ayun Pa và An Khê quản lý chặt chẽ quỹ đất đã được quy hoạch cho phát triển trồng mía; yêu cầu các Công ty, Nhà máy đường trên địa bàn thực hiện đầu tư thu mua mía đúng quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và đề xuất xử lý việc phát triển mía không đúng quy hoạch. Khuyến cáo người dân ổn định diện tích sản xuất mía, không phát triển ra ngoài vùng quy hoạch để giảm rủi ro. Quan tâm hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể đủ năng lực thực hiện các dịch vụ nông nghiệp và làm đầu mối giữa nông dân với nhà máy đường trong hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu. 
Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.