Chuyện thường ngày: Sống trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chị gái tôi thường xuyên đặt mua sách, hầu như đều đặn trích ra một khoản thu nhập hàng tháng dành cho việc này. Nhìn những cuốn sách dày hàng trăm trang thơm mùi giấy mới, tôi dường như ngại đọc. Chị nói, đọc sách trước hết là vì yêu thích, nhưng bên cạnh đó, còn là một nhiệm vụ. Chị là giáo viên dạy văn nên tôi hiểu nhiệm vụ mà chị nói đến, chính là trách nhiệm đối với nghề.

 

Chị nói, đọc sách trước hết là vì yêu thích, nhưng bên cạnh đó, còn là một nhiệm vụ. (ảnh internet)
Chị nói, đọc sách trước hết là vì yêu thích, nhưng bên cạnh đó, còn là một nhiệm vụ. (ảnh internet)

Lời chị khiến tôi nghĩ ngợi. Tôi có trách nhiệm với nghề nghiệp của mình không hay bất cứ ai đang có một công việc để làm cũng vậy, trách nhiệm thể hiện ở đâu? Con người ta, có vô vàn trách nhiệm cần thực hiện, ví như đối với công việc, gia đình, bản thân... Đó là chưa kể đến trách nhiệm buộc phải thực hiện, thể hiện nghĩa vụ đối với tổ chức, đơn vị. Nhưng cũng có thứ trách nhiệm thôi thúc từ lương tâm, không ai ép buộc, cưỡng cầu. “Gần đây, tôi không chỉ đọc sách văn học mà đọc rất nhiều sách lịch sử. Đọc trước tiên để bản thân thêm hiểu biết, kể cho con cái, học trò nghe dù tôi không dạy lịch sử. Đó là trách nhiệm của người mẹ, của người thầy mà chẳng ai bắt ép cả, tự bản thân thấy cần phải làm. Người lớn phải am hiểu lịch sử sau đó mới hun đúc niềm yêu thích lịch sử với thế hệ sau”-chị gái tôi chia sẻ.        

Không chỉ có trách nhiệm với nghề nghiệp, với công việc, mà trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người đều có rất nhiều trách nhiệm khác nhau. Như việc giáo dục một đứa trẻ trước tiên là cần hoàn thành trách nhiệm với chính bản thân mình, đó là chuyện thường ngày như ăn uống lành mạnh, tập thể dục, bỏ rác đúng nơi quy định, học tập, hoàn thành công việc phù hợp. Khi biết sống có trách nhiệm với mình mới có thể sống trách nhiệm với người thân, cộng đồng.

Có những thứ trách nhiệm rất lớn lao, nhưng cũng có những điều khiêm tốn, nhỏ bé. Để trách nhiệm không phải là gánh nặng thì mỗi người hãy biến nó thành thói quen hàng ngày, thực hiện một cách vui vẻ, chủ động. Ví dụ như chuyện xả rác. Người lớn nhắc con xả rác đúng nơi, đúng chỗ, bản thân cũng hạn chế xả rác hoặc phân loại rác trước khi xả ra môi trường. Điều này không ai ép buộc ai nhưng thể hiện thái độ sống có trách nhiệm với bản thân, với xã hội. Biến trách nhiệm thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày, sẽ thấy sống có trách nhiệm trở thành một niềm vui.

Để sống có trách nhiệm, cũng không thể thiếu điều này: Đó là sự nỗ lực và cả kỷ luật với bản thân. Nếu thiếu kỷ luật, người ta cũng dễ dàng buông xuôi, dễ dãi với bản thân, từ đó sinh ra thiếu trách nhiệm. Bản thân tôi nghĩ rằng, cần phải luyện tập thể dục thường xuyên để sống khỏe mạnh, đó là sống có trách nhiệm và yêu quý bản thân. Hàng ngày, tôi chạy bộ và tập yoga xen kẽ. Tôi đặt ra mục tiêu cụ thể cho việc tập luyện và xem đó là nhiệm vụ phải hoàn thành. Có những thời điểm, tôi thấy tập luyện như tra tấn và không muốn tiếp tục nữa. Thế nhưng kỷ luật với bản thân cuối cùng đã chiến thắng, giúp tôi không bỏ cuộc. Xung quanh tôi có rất nhiều người duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày để sống khỏe mạnh. Điều đó thể hiện trách nhiệm với chính bản thân họ và cao hơn là hình thành thói quen lành mạnh, tích cực một cách ổn định, bền vững.

Nếu ta sống có trách nhiệm từng chút, từng chút một thì chắc chắn, khi đối diện với những trọng trách lớn lao trong đời, ta đều có thể vững vàng hoàn thành, bước tới.

MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.