(GLO)- Ai trong chúng ta chẳng có thời thơ bé hì hụi chế từ cái thùng carton lớn thành 1 “lâu đài” có cánh cửa mở ra khép vào được, đôi khi còn trổ được cả cửa sổ, bên trong cất giữ “kho báu”!
Chí ít là dùng chăn mền dựng lên một túp lều hoặc một cái hang trang hoàng đủ thứ dây nhợ, muốn vào thám hiểm phải dùng đèn pin. Nếu làm được cái nhà sàn trên chạc ba của gốc cây to thì càng phiêu lưu kỳ thú. Nhiều tình bạn gắn bó suốt đời cũng chỉ vì cùng chia sẻ những bí mật ấy, nhiều trận cãi cọ, đánh nhau nhớ đến già cũng chỉ vì kẻ kia dám... xâm phạm lãnh thổ. Nơi ấy trở thành cõi riêng-một thế giới biệt lập của tụi trẻ, khuất khỏi tầm mắt người lớn. Chỉ ở trong đó chúng mới thật sự là những người làm chủ, có quyền sắp xếp, tổ chức mọi sự theo ý mình, thả trí tưởng tượng bay thật xa.
Ảnh minh họa. |
Tặng con phòng riêng khi lên 7-8 tuổi có thể được xem là món quà đặc biệt đối với trẻ này, với trẻ khác thì “sao cũng được”, có trẻ lại chưa sẵn sàng. Vì thế, bố mẹ cần trò chuyện và “làm công tác tư tưởng” trước để con hào hứng và có trách nhiệm khi được giao chìa khóa phòng!
Đầu tiên, hãy cho trẻ biết rằng con được toàn quyền trang trí bày biện gian phòng theo ý mình, ngược lại phải tự giác dọn dẹp, vệ sinh ngăn nắp tử tế (gấp quần áo, xếp gối mền, lau sàn nhà, bảo quản đồ dùng…). Cần làm thời gian biểu sinh hoạt và nghiêm túc thực hiện, cha mẹ chỉ thỉnh thoảng nhắc nhở. Có phòng ngủ-nghỉ riêng, con có thể ăn mặc phóng khoáng, thoải mái mà không làm người khác mất tự nhiên, là nơi con rút lui mỗi khi nhà có khách. Từ đó, sau này con sẽ có kinh nghiệm ở ký túc xá khi học xa nhà, ở nhà tập thể lúc mới đi làm hoặc ở riêng khi lập gia đình.
Tuy nhiên, có một vấn đề cần được lưu tâm, đó là nhiều bậc cha mẹ nghiễm nhiên coi phòng riêng cũng là phòng học của con, trang bị bàn ghế, tủ sách, computer để con tập trung làm bài, thức khuya dậy sớm không ảnh hưởng đến sinh hoạt chung. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều cô cậu về đến nhà là chui tọt vào phòng, “cố thủ” ở trong ấy đến giờ ăn mới ra. Đến khi con nghiện game online, tham gia chat sex, lười làm việc nhà, thiếu kỹ năng xã hội…, phụ huynh mới té ngửa rằng mình đã tạo điều kiện cho con mình nằm ngoài tầm quan sát, uốn nắn của gia đình. Thậm chí, có cô cậu học THPT chốt cửa “học nhóm” với bạn trong phòng, mẹ gõ cửa đưa ly nước, đĩa trái cây vào còn bị con “đuổi” ra. Có bạn khi cha mẹ góp ý sao lại để phòng bẩn thỉu, bừa bộn thì bật lại: “Đây là phòng của con, con muốn làm gì thì làm”.
Hãy để bàn học của trẻ và máy tính ở phòng sinh hoạt chung để mọi người trong nhà ai làm việc nấy nhưng vẫn nhìn thấy nhau. Đừng sợ con phân tâm hay mải chơi mà ngược lại, các thành viên trong nhà không dám vào những trang mạng “có vấn đề” vì sợ bị bắt quả tang. Con cũng cần được rèn tính tập trung khi học và làm bài tập để mai sau có thể làm việc ngay giữa đám đông ồn ào, bất chấp thời tiết. Con cũng biết mẹ đang cần mẫn làm việc nhà để mình được yên tâm ngồi học, cha đang sửa chữa vật dụng gì đó trong nhà hoặc đang làm việc vất vả hơn mình. Gia đình nào có anh chị em cùng ngồi học lại càng tuyệt, các con có thể hỏi bài nhau và lúc giải lao cả nhà cùng ăn nhẹ, đùa vui, xem một kênh ti vi yêu thích… để thắt chặt mối liên hệ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Cẩn trọng khi cho con “tách bầy” nhé bạn! Chuyện kể rằng, có một cô gái trẻ suốt ngày trong phòng vùi đầu vào internet, chẳng có bạn, tính cách chậm chạp, mặt mũi bơ phờ, mắt thâm quầng và không thiết tha gì tới mọi người xung quanh. Một hôm cô ngẫm lại đời mình: “Quái lạ, hồi bé mình là đứa trẻ khác hẳn cơ mà! Mình từng rất thích ra ngoài chơi với các bạn, thích chơi thể thao, từng năng động và rất tự tin. Sao bây giờ mọi chuyện lại khác thế nhỉ?”. Cố gắng nhớ lại, cô chợt nhận ra: Chuyện bắt đầu từ món quà sinh nhật lần thứ 12, khi cha mẹ đặt chiếc máy vi tính đầu tiên trong phòng con gái!
Th.S NGUYỄN LAN HẢI