Chuyện làm giàu của Đinh Hnhơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo chân anh Đinh Huy-Chủ tịch Hội Nông dân xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, chúng tôi đến làng Chuk để tìm hiểu chuyện làm giàu của Đinh Hnhơ. Đã 5 giờ chiều mà chỉ có vợ Hnhơ ở nhà. Chị bảo Hnhơ đang đi thu mủ cao su, muốn gặp phải ra vườn cây.
 

Ảnh: Nguyễn Dung
Ảnh: Nguyễn Dung

Nghe anh Huy gọi, Hnhơ xách xô mủ từ phía dưới đi lên. Trời sắp tối mà Hnhơ còn đến 5 hàng nữa chưa thu nên tôi đi theo hỏi chuyện để anh không phải dừng việc. Nghe tôi hỏi bí quyết làm giàu, anh cười: Chịu khó làm thì khắc có thôi. Rồi anh kể: “Tôi tham gia công tác ở xã từ năm 1996, làm Phó Bí thư Đoàn xã, đến năm 2000 được bầu làm Bí thư. Từ năm 2003 đến nay, tôi chuyển sang làm Xã đội trưởng, lương được 2,5 triệu đồng/tháng. Trước đây, tôi chỉ trồng bời lời, nuôi bò và làm 1 sào lúa nước 2 vụ. Năm 2004, Nhà nước đầu tư dự án cao su tiểu điền tại xã, tôi vay vốn trồng 1,5 ha. Năm 2005, tôi lại tiếp tục vay vốn trồng thêm 1,5 ha cao su nữa. Năm 2009, tôi phá bời lời trồng được 500 trụ tiêu. Năm 2010, tôi bán bò lấy tiền chăm sóc cao su, tiêu và đầu tư trồng 1 ha cà phê. Năm nay tôi đã chuẩn bị 5 sào đất để trồng thêm tiêu. Hồi mới làm kinh tế, con cái còn nhỏ nên vất vả lắm, ngày nào tôi cũng ra vườn từ 5 giờ sáng, 7 giờ về xã làm việc. Tính ra, mỗi năm tôi đầu tư khoảng hơn 50 triệu đồng. Được cái nhà tôi cấy lúa cũng đủ gạo ăn, không phải lo về lương thực; phân bón, thuốc trừ sâu thì có bạn cho ứng trước đến mùa thu hoạch mới hoàn trả nên cũng tạm ổn; khi nào thiếu quá thì vay ngân hàng. Hiện tôi còn nợ ngân hàng 60 triệu đồng nhưng vườn cây bắt đầu có thu rồi nên không lo lắm, chỉ 2 năm sau là tôi sẽ trả hết nợ. Năm nay giá mủ cao su tuy thấp hơn năm ngoái nhưng mỗi tuần tôi cũng bán được hơn 2 triệu đồng”.

Mới bước vào tuổi 40 nhưng Hnhơ đã có trong tay 3 ha cao su tiểu điền (1,5 ha mở miệng cạo năm 2011 còn 1,5 ha sang năm 2013 sẽ mở miệng cạo), 1 ha cà phê và 500 trụ tiêu năm nay cho thu bói, 1 sào lúa nước 2 vụ và chuẩn bị có thêm 5 sào tiêu. Không chỉ làm giàu cho mình, là Đảng ủy viên được phân công phụ trách làng Đak Pơ Nan (làng phong) anh luôn gần gũi, động viên bà con vượt qua mặc cảm, khắc phục khó khăn về sức khỏe tích cực tham gia lao động sản xuất; đồng thời tận tâm hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, từ chỗ rất khó khăn, 2 năm nay làng đã phát triển hơn hẳn, bà con chuyển sang trồng cà phê, tiêu tương đối nhiều. Anh trải lòng: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tác động rất nhiều đến tôi. Bác dạy “Việc gì có lợi cho dân thì cố gắng làm”. Học theo Bác, tôi đã cố gắng thuyết phục bà con chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế hơn. Bởi vì chăn nuôi và trồng cây ngắn ngày chỉ được ăn trước mắt còn trồng cây dài ngày tuy khó nhưng khi thu hoạch ngày nào cũng có tiền. Người già bị bệnh đi lại lao động khó khăn thì động viên con cháu làm. Đến nay, cả 61 hộ trong làng nhà ít cũng trồng 200, 300 trụ tiêu, nhà nhiều trồng 600 trụ. Cây cà phê do phải đầu tư nhiều vốn và phải có nguồn nước tưới nên mới có 6 hộ trồng.

Chia tay Hnhơ, tôi cứ suy nghĩ mãi về câu nói của anh: “Nhà tôi cây gì cũng mới được thu nên chỉ đủ trang trải trong gia đình và trả tiền phân bón, thuốc trừ sâu. Muốn trồng thêm 500 trụ tiêu nữa mà ngân hàng chỉ cho vay có 1 năm nên rất khó, giá mà vay được 3-4 năm thì tốt biết mấy”.

Nguyễn Dung

Có thể bạn quan tâm