Chuyên gia đánh giá triển vọng khôi phục nền kinh tế của Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tăng trưởng GDP quý 1/2020 của Việt Nam đạt gần 4%, mức tăng thấp nhất kể từ 2011 trở lại đây. Nhưng so với nhiều nền kinh tế khác, đây vẫn là mức tăng trưởng đầy hứa hẹn.

Công nhân hoàn thiện sản phẩm may xuất khẩu. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Công nhân hoàn thiện sản phẩm may xuất khẩu. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)


Mặc dù đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng vào năm tới, quốc gia Đông Nam Á này có thể sớm khôi phục mức tăng trưởng như trước thời kỳ khủng hoảng dịch bệnh.

Trên đây là nhận định của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey&Company trong báo cáo đăng tải trên trang Consultancy.asia ngày 14/7.

Theo McKinsey&Company, có hai yếu tố giúp nền kinh tế Việt Nam có thể từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch gây ra.

Yếu tố đầu tiên là Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch bệnh với không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong 2 tháng qua.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên mở cửa trở lại nền kinh tế sau 3 tuần đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Yếu tố thứ hai liên quan tới thị trường tiêu dùng ở Việt Nam. Chi tiêu của tầng lớp trung lưu gia tăng dẫn đến sự bùng nổ trên thị trường tiêu dùng quốc gia. Hiện chi tiêu trong nước chiếm gần 70% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.

Mặc dù trong tháng Tư, hơn một nửa người tiêu dùng Việt Nam đã cắt giảm chi tiêu, song sự cắt giảm chi tiêu này thuộc về phần chi phí tùy ý, vốn chỉ chiếm hơn 25% GDP.

Trong khi đó, chi tiêu cho nhu yếu phẩm  vốn đóng góp hơn 40% GDP Việt Nam vẫn giữ vững trong suốt đợt khủng hoảng COVID-19 và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ổn định trong thời gian tới.

Báo cáo của McKinsey&Company nhấn mạnh hai yếu tố trên đã giúp Việt Nam có thể từng bước vượt qua khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng dịch COVID-19 vẫn tiếp tục tác động tới kinh tế trong nước như chuỗi cung ứng trên toàn cầu mất cân bằng, xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng do Trung Quốc cũng như các thị trường chủ chốt khác đều đóng cửa, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam giảm 21% trong 3 tháng đầu năm 2020...

Theo McKinsey&Company, Việt Nam có thể hoàn toàn khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ khi thương mại quốc tế tăng tốc. Tuy nhiên, công ty cũng chỉ ra nhiều yếu tố đã giúp ổn định nền kinh tế Việt Nam trong suốt cuộc khủng hoảng lần này.

Tăng trưởng GDP quý 1/2020 của Việt Nam đạt gần 4%, mức tăng thấp nhất kể từ 2011 trở lại đây. Nhưng so với nhiều nền kinh tế khác, đây vẫn là mức tăng trưởng đầy hứa hẹn. Hơn nữa, khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa, thị trường Việt Nam sẽ có vị thế tốt hơn trước.

McKinsey&Company nhấn mạnh các dự báo cho thấy hầu hết các nền kinh tế trên thế giới sẽ dần hoạt động trở lại vào cuối năm nay. Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh sẽ diễn ra chủ yếu vào giữa năm 2021.

Theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ có rất nhiều tiềm năng để phát triển và đẩy mạnh kinh tế trong giai đoạn này với điều kiện đại dịch COVID-19 không bùng phát trở lại.

Trên thực tế, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều dự đoán rằng Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng lên tới 7% vào năm 2021.

Theo Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.