(GLO)- Tháng 10-2017, một số dư luận cho rằng tỉnh Gia Lai có 245 phòng học bỏ hoang gây lãng phí tương đương 50-70 tỷ đồng. Về vấn đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cho biết: Phòng học ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa được xây dựng khi điều kiện hạ tầng ở địa phương còn khó khăn; đến nay xã hội phát triển, các điểm trường này không còn phù hợp nên chuyển công năng để quản lý, sử dụng cho có hiệu quả là một quyết định đúng đắn…
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai-ông Huỳnh Minh Thuận cho biết: Từ năm 1990, để hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục-xóa mù chữ, tỉnh đã thực hiện chủ trương phát triển giáo dục đến các làng. Thực hiện chủ trương này, các địa phương đã huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng phòng học tại các làng và các điểm trường. Trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2010, hàng ngàn phòng học tại các làng được xây dựng với nhiều mức đầu tư khác nhau.
Học sinh Trường Mẫu giáo Hoa Sen (xã Sơn Lang, huyện Kbang). Ảnh: internet |
Chủ trương phát triển lớp học đến làng đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục-xóa mù chữ của tỉnh. Đến tháng 12-2015, Gia Lai hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục gồm: phổ cập giáo dục tiểu học-xóa mù chữ, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục-xóa mù chữ, trước yêu cầu phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa việc phát triển giáo dục đến làng và các điểm trường đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cụ thể như: Các lớp học tại làng, điểm trường thiếu các điều kiện cần thiết để giáo dục toàn diện học sinh, thực hiện chuẩn hóa như thiếu nhạc cụ để dạy nhạc, thiếu sân chơi, bãi tập để rèn luyện giáo dục thể chất, thiếu trang-thiết bị. Học sinh ít có điều kiện giao lưu, học hỏi, trao đổi như ở các trường trung tâm. Số học sinh trong một lớp ở các làng và điểm trường không đủ số lượng như quy định tại điều lệ trường học. Nhiều lớp học không đủ số lượng học sinh theo quy định vẫn phải bố trí 1 giáo viên giảng dạy. Tình trạng lớp ghép vẫn tồn tại ở một số làng và điểm trường.
Đồng thời, chương trình xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình dự án khác đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, phát triển giao thông nông thôn, do vậy khoảng cách đến trường trung tâm của học sinh thuận lợi hơn. Nhiều trường trung tâm được đầu tư nâng cấp mở rộng, đảm bảo đủ cơ sở vật chất để thu hút học sinh ở các làng và điểm trường đến học. Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú ở các vùng có nhu cầu được hình thành, phát triển đã thu hút nhiều học sinh các làng xa đến học. Nhận thức của đại bộ phận nhân dân muốn con em học ở trường trung tâm để có chất lượng đào tạo tốt hơn. Do vậy trong vài năm gần đây, số lượng lớp học tại làng và điểm trường giảm dần và dẫn đến tình trạng cả tỉnh có 245 phòng học ở các làng và điểm trường không còn phù hợp để dạy học. Trong đó nhiều nhất là huyện Kbang 81 phòng, Ia Pa 34 phòng, Đức Cơ 28 phòng...
Hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có phương án bàn giao 117 phòng học cho chính quyền xã để tổ chức các hoạt động phù hợp ở địa phương; thanh lý 44 phòng học đã hết niên hạn sử dụng; sửa chữa 84 phòng để chuyển đổi công năng từ phòng học tiểu học thành phòng học mầm non dành cho lứa tuổi nhà trẻ và lớp mẫu giáo 3-4 tuổi.
P.V