Chung tay vì an toàn học đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ động triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong năm học 2021-2022. 
Trong 2 năm qua, Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” được triển khai thí điểm tại Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu và Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (TP. Pleiku). Theo đó, ngành chức năng đã thiết kế, cải tạo hạ tầng an toàn giao thông và định hướng hành vi giao thông xung quanh khu vực trường học như: lắp đặt vạch sang đường, gờ giảm tốc, sơn chữ “Đi chậm” trên mặt đường… Đặc biệt, lần đầu tiên chương trình áp dụng tốc độ quy định tối đa qua khu vực trường học 30-40 km/giờ vào các khung giờ cao điểm. 
Ông Nguyễn Đình Thức-Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku-cho hay: “Qua thời gian triển khai Dự án, chúng tôi nhận thấy có sự thay đổi tích cực trong học sinh, phụ huynh và người tham gia giao thông về hành vi giảm tốc độ khi lưu thông qua khu vực trường học vào khung giờ cao điểm. Môi trường giao thông quanh khu vực cổng trường đã an toàn, trật tự hơn”.
Từ hiệu quả khả quan của Dự án, vừa qua, UBND tỉnh đã đồng ý cho UBND TP. Pleiku thực hiện quy định tốc độ qua khu vực trường học là 30-40 km/giờ. Ông Võ Ngọc Quảng-Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh-thông tin: “Giai đoạn 1 của Dự án đã khép lại với kết quả khả quan. Việc hạn chế tốc độ tối đa khu vực trường học sẽ góp phần đảm bảo an toàn hơn cho học sinh khi ra khỏi khuôn viên trường, đồng thời, góp phần giáo dục về ý thức đảm bảo ATGT cho phụ huynh, học sinh”.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Pleiku) tham gia hoạt động ngoại khóa tìm hiểu kiến thức về ATGT (ảnh chụp năm 2020). Ảnh: Lê Hòa
Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Pleiku) tham gia hoạt động ngoại khóa tìm hiểu kiến thức về ATGT (ảnh chụp năm 2020). Ảnh: Lê Hòa
Trong năm học này, ngoài các trường tiểu học trên địa bàn TP. Pleiku thì Dự án còn triển khai tại Trường Tiểu học xã Ia Nhin (huyện Chư Păh). Tổng vốn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài để thực hiện giai đoạn 2 Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” là 11,57 tỷ đồng. Từ đó, Quỹ AIP phân bổ cho Ban ATGT tỉnh hơn 3,47 tỷ đồng để thực hiện hợp phần cải tạo hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, từ đầu tháng 9, Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch cụ thể về triển khai công tác giáo dục ATGT cấp THCS và THPT năm học 2021-2022. Mục tiêu chính của kế hoạch là hoàn thiện tài liệu giáo dục ATGT cấp THCS đảm bảo sự phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; đưa nội dung giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT và văn hóa giao thông vào chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục. Từ năm học 2021-2022, Bộ GD-ĐT sẽ mở rộng triển khai thêm tài liệu giáo dục ATGT cấp THCS. Phương án triển khai dự kiến từ nay đến hết quý I-2022, được chia thành 4 hoạt động: nghiên cứu, biên soạn tài liệu giáo dục ATGT cấp THCS; tập huấn giáo viên cốt cán hướng dẫn triển khai tài liệu giáo dục ATGT cấp THCS; triển khai giảng dạy tài liệu giáo dục ATGT cấp THCS và tài liệu giáo dục “ATGT cho nụ cười ngày mai” cấp THPT; tổ chức Hội thi “ATGT cho nụ cười ngày mai”. Hình thức giảng dạy nội dung giáo dục ATGT cấp THCS và tài liệu giáo dục “ATGT cho nụ cười ngày mai” cấp THPT có thể lựa chọn tổ chức giảng dạy tích hợp vào các môn học và hoạt động giáo dục, tổ chức ngoại khóa, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo… Tuy nhiên, phải đảm bảo tối thiểu 5 tiết/học kỳ đối với học sinh đầu cấp và 3 tiết/học kỳ đối với học sinh các lớp khác.
Năm học 2020-2021, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh là 1 trong 2 đơn vị được chọn triển khai dạy thao giảng 2 tiết tài liệu giáo dục “ATGT cho nụ cười ngày mai”. Bên cạnh đó, nhà trường có em Nguyễn Văn Phước (học sinh lớp 12A2) đạt giải ba cấp tỉnh cuộc thi “ATGT cho nụ cười ngày mai”. Thầy Đỗ Thanh Tùng-Bí thư Đoàn trường, người trực tiếp phụ trách lớp học-đánh giá: “Nội dung chương trình rất sinh động, gắn với những tình huống giao thông rất đời thường như xử lý vi phạm khi học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển xe phân khối lớn đến trường; các biển chỉ dẫn, cảnh báo phổ biến; một số quy tắc khi tham gia giao thông để các em hiểu và định hướng hành vi của mình. Từ đó, các em nâng cao được kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn hơn”.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Niềm vui nhân đôi

Niềm vui nhân đôi

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc các trường tiểu học, THCS triển khai dạy học 2 buổi mỗi ngày không thu phí từ năm học 2025 - 2026 thực sự là thông tin mang lại 'niềm vui nhân đôi' với phụ huynh cả nước.

Quy định mới về dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục

Quy định mới về dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục

(GLO)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 96/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15-7-2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số (DTTS) trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

APC Gia Lai: Cùng học sinh kiến tạo ước mơ

APC Gia Lai: Cùng học sinh kiến tạo ước mơ

(GLO)- Trường Quốc tế châu Á Thái Bình Dương Gia Lai (APC Gia Lai) tổ chức cho học sinh tìm hiểu giáo dục Nhật Bản tại các trường đại học hàng đầu, qua đó giúp các em có định hướng tốt cho việc học và nghề nghiệp trong tương lai.