Chưa thể nhanh được!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bên cạnh việc đưa lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%/năm, các ngân hàng thương mại đang tích cực triển khai nhiều chương trình mới với lãi suất ưu đãi. Động thái này không chỉ giúp doanh nghiệp ở thời điểm khó khăn mà còn khơi thông dòng vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai vẫn chưa đồng bộ trong toàn ngành…

Nhiều gói tín dụng được triển khai

Những ngày qua, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất. Đây là giải pháp tích cực để giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này. Hiện tại, nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi đã được triển khai. 

 

 

Theo đó, Vietinbank đã công bố hạ lãi suất đối với tất cả các khoản vay xuống mức tối đa 15%/năm, cụ thể là vốn vay lưu động áp dụng lãi suất 11-12%/năm, cho vay các lĩnh vực ưu tiên 10-12%/năm. Đồng thời, chi nhánh đang tiến hành rà soát các khoản vay cũ để tiến hành đưa lãi suất về mức dưới 15%/năm. Ngân hàng An Bình đang áp dụng chương trình “Thỏa sức tiêu dùng-an tâm kinh doanh” với lãi suất chỉ 13%/năm, thực hiện cho đến tháng 9-2012. Sacombank đang triển khai gói cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lãi suất chỉ còn 4,5%/năm (giảm 2% so thời điểm trước). Ngoài các lĩnh vực ưu tiên, chi nhánh đang thực hiện một số chương trình ưu đãi về lãi suất cho khách hàng như áp dụng lãi suất 13%/năm cho một số lĩnh vực khác.

Ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Gia Lai cho biết: Hiệu suất quay vòng vốn sẽ tăng cao trong những tháng còn lại của năm. Chi nhánh tập trung vốn cho nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng dư nợ theo kế hoạch đề ra.

Hiện tại, các ngân hàng trên địa bàn đang tìm mọi cách tháo “nút thắt” trong việc tăng trưởng tín dụng, dự kiến từ đây đến cuối năm sẽ có khoảng 2.800 tỷ đồng được bơm ra thị trường.

Giảm lãi khoản vay cũ-chưa thể nhanh được

Theo lãnh đạo một số ngân hàng, sẽ có một độ trễ nhất định để thực hiện giảm lãi suất, không phải nói là làm ngay được. Bởi, theo các ngân hàng, giảm là giảm ở một số đối tượng, chứ không làm đại trà! Những đối tượng nào được giảm, những đối tượng nào chưa, còn phụ thuộc vào các tiêu chí cụ thể, hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên… Nếu đưa về đồng loạt tất cả các khoản vay cũ dưới 15%/năm sẽ khó đánh giá, phân loại được khách hàng.

Lâu nay, việc áp dụng mức lãi suất phụ thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mức độ tín nhiệm khách hàng. Điều đó có nghĩa là những doanh nghiệp nào có năng lực tài chính, có phương án sản xuất kinh doanh tốt, tài sản thế chấp đảm bảo, chu kỳ quay vòng vốn tốt, khả năng vay trả tốt… mới được ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay thấp. Về phía ngân hàng, khi đầu vào thấp, sẽ có đầu ra tương ứng. “Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, hoạt động theo quy luật thị trường. Nước lên thuyền lên, không thể bảo ngân hàng huy động thấp mà cho vay cao được. Ngược lại, không thể cứ bắt buộc giảm ngay lãi suất, bởi khi huy động cao mà cho vay thấp, ngân hàng sẽ bị lỗ”-ông Ngô Văn Đốc-Giám đốc Vietinbank Gia Lai nói.

Cùng quan điểm đó, nhiều ngân hàng cho biết vẫn phải áp dụng các nguyên tắc cơ bản, có như vậy mới hạn chế phát sinh nợ xấu. Tín dụng dễ mang lại rủi ro, do đó các ngân hàng tập trung đẩy mạnh cung ứng dịch vụ. Theo phân tích một lãnh đạo ngân hàng thương mại trên địa bàn cho thấy: Khi giảm lãi suất cho các khoản vay cũ về dưới 15%/năm, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng sẽ giảm, do đó phải tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh các dịch vụ để tăng thu nhập…

Hiện tại, nhiều ngân hàng cổ phần vẫn chưa triển khai hạ lãi suất các khoản vay cũ, phần vì phải đợi hướng dẫn, phần không đảm bảo lợi nhuận khi hạ, bởi những khoản vay này đều nằm trong giai đoạn đua lãi suất huy động. Ông Nguyễn Đức Hòa-Phó Giám đốc BIDV Gia Lai cho biết sẽ có một độ trễ nhất định khi đưa lãi suất về dưới 15%/năm, bởi vì chu kỳ huy động vốn thời điểm đó cao, nên ngân hàng phải cho vay cao.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại khác cũng cho biết chủ trương là hạ, nhưng nếu “khoanh vùng” để hạ thì đơn vị làm tốt, còn hạ tất cả và tiến hành trong thời gian nhanh nhất thì chắc là chưa thể, nhất là giảm cho những khoản vay không khuyến khích như tiêu dùng, bất động sản.

Rõ ràng, doanh nghiệp sẽ chẳng nhận được sự chia sẻ tích cực từ phía ngân hàng khi mà mới chỉ có một vài ngân hàng thực hiện chủ trương này.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.