(GLO)- Từ lâu, cà phê là cây trồng chủ lực giúp người dân Chư Pah phát triển kinh tế. Song hiện nay, nhiều diện tích cà phê trồng lâu năm đã già cỗi, năng suất thấp… Do đó, huyện đã triển khai chương trình tái canh cà phê nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này.
Năm 2018, toàn huyện Chư Pah có 759 hộ (286 hộ đồng bào dân tộc thiểu số) đăng ký và đủ điều kiện tái canh cà phê với tổng diện tích hơn 290 ha. Ngoài ra, nhiều hộ khác trên địa bàn huyện cũng tự tiến hành tái canh toàn bộ hoặc một phần diện tích cà phê của gia đình theo kiểu xen canh. Để đảm bảo chất lượng nguồn giống phục vụ người dân tái canh cà phê, huyện Chư Pah đã tiến hành ươm trên 33.000 cây giống các loại như TRS1, TR4. Dự kiến, số giống này sẽ cấp cho người dân trước mùa mưa để bà con tiến hành trồng.
Người dân cắt bỏ cà phê già cỗi để tái canh. Ảnh: L.N |
Ông Nguyễn Văn Dư-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng, cho biết: Năm 2018, xã Nghĩa Hưng đăng ký với huyện hơn 4.800 cây cà phê giống mới đạt tiêu chuẩn để cấp cho bà con nông dân. Hiện tại, bà con đang đào bỏ những cây cà phê già cỗi, năng suất kém và cải tạo đất, chuẩn bị hố trồng để đến cuối tháng 5 và đầu tháng 6, khi mùa mưa bắt đầu sẽ triển khai tái canh cà phê.
Gia đình anh Nguyễn Thế An (thôn 3, xã Nghĩa Hòa) có 1,2 ha cà phê trồng từ năm 1995, đến nay đã già cỗi. Hàng năm, sản lượng cà phê gia đình anh thu được chỉ khoảng 3 tấn nhân. Đầu năm 2018, anh quyết định phá bỏ một nửa diện tích già cỗi để tái canh. Hiện việc làm đất đã hoàn thành, gia đình anh mong muốn sớm có giống để tiến hành trồng trước mùa mưa. Anh An cho biết: Để nâng cao năng suất cà phê thì mình phải tái canh. Trước mắt, gia đình chỉ tái canh một nửa, đến khi vườn cà phê tái canh có thu hoạch thì sẽ tiến hành trồng tái canh diện tích còn lại. Hiện tại, gia đình tôi đã múc hố, xử lý dịch bệnh ban đầu và chờ giống cấp về là trồng trước mùa mưa.
Tương tự, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nghĩa Hòa sau khi đăng ký kế hoạch và diện tích tái canh với chính quyền địa phương cũng đang tích cực nhổ bỏ cây cà phê già cỗi, đào hố, xử lý đất để chuẩn bị cho vụ tái canh. Ngoài mong muốn được hỗ trợ cây giống, bà con cũng mong chính quyền địa phương quan tâm giải quyết về vốn vay ưu đãi của Nhà nước để có điều kiện tiến hành tái canh cà phê. Ông Nguyễn Hữu Lâm (thôn 3, xã Nghĩa Hòa) cho hay: “Nhà tôi có 1 ha cà phê, năm ngoái đã tái canh 5 sào và năm nay tái canh tiếp 5 sào còn lại. Tôi rất mong các cấp quan tâm tạo điều kiện về vốn vay để kịp thời tái canh”.
Theo kế hoạch giai đoạn 2015-2020, huyện Chư Pah sẽ triển khai trồng tái canh 1.950 ha cà phê. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tiến hành tái canh được gần 700 ha. Diện tích này đang sinh trưởng, phát triển tốt. Việc đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng vào tái canh sẽ giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê. Chính vì thế, qua 2 năm triển khai, chương trình tái canh cà phê được bà con nông dân trên địa bàn huyện rất đồng thuận. Các hộ dân đăng ký diện tích tái canh được vay vốn theo quy định hiện hành của Nhà nước và được huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật.
Ông Đặng Anh Tuấn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah, cho biết: Qua kiểm tra, thẩm định, năm 2018, diện tích cà phê tái canh được hỗ trợ của huyện là hơn 290 ha. Còn ở thị trấn Ia Ly và thị trấn Phú Hòa, theo báo cáo của địa phương, các hộ dân tự tái canh trên 50 ha cà phê. Về công tác chuẩn bị giống, chúng tôi đã giao Trạm Khuyến nông tổ chức gieo ươm hơn 33.000 cây giống các loại như TRS1, TR4 và dự kiến đầu tháng 6 sẽ hỗ trợ số giống này cho người dân để tái canh.
Lê Nam