(GLO)- Trại cây giống, hoa và cây cảnh của gia đình chị Võ Thị Cẩm Lượng “mọc” lên giữa vùng đất còn khá hoang vu tại làng Tuyết (xã Đak Tơ Ve-huyện Chư Pah). Một điều khá bất ngờ ngay ở chính trại giống có phần đơn sơ này khi đây là nơi có gần 3.000 cây mai rừng đang được trồng, chăm sóc.
Chị Lượng kể, ba chị là một lão nông bình thường nhưng lại có duyên và có khiếu với cây cảnh. “Thấy người ta chơi, ba tôi cũng kiếm cây về trồng rồi mày mò cắt tỉa. Vậy nhưng được nhiều người khen đẹp”-chị Lượng với chất giọng miền Tây ngọt lừ, kể.
Hoa trà mi đỏ nở hoa trong vườn nhà chị Lượng. Ảnh Lê Hòa |
Không ngờ thú chơi cây cảnh của người cha đã nhiễm vào ngay cô con gái. 8 tuổi, chị Lượng đã mày mò tự trồng và tạo dáng cho một cây sung nhỏ. Điều bất ngờ là nhiều người khen đẹp, “máu” mê cây cảnh bắt đầu từ đó và chị cứ thế tự học hỏi, tiếp tục thử nghiệm.
Lớn lên nghèo, chẳng thể theo nghề. Nhưng khi gặp chồng, hai vợ chồng chị lại nhem nhóm ý tưởng lập một trại giống nhỏ. 3 năm bươn chải tại Bình Phước song chẳng thấm vào đâu. Thế rồi, anh chị đưa gia đình lên tận vùng Đak Tơ Ve này lập nghiệp, một trại giống mới lại tiếp tục được hình thành tại nơi hoang vu, hẻo lánh này.
“Anh Thọ (chồng chị Lượng) thích trồng mai lắm. Trên này người ta chơi mai cũng nhiều nên chúng tôi mạnh dạn thử. Qua mùa mai Tết, hai vợ chồng đi xin hạt mai ở những nhà có trồng mai rừng, rồi đóng bầu, ươm hạt”-chị Lượng kể lại. Hai vợ chồng chị trồng cả thảy khoảng 3.000 cây mai, đến nay được khoảng hơn 2 năm. Những gốc mai rừng này khi được chừng 3 năm tuổi sẽ dùng để ghép vào đó những giống mai quý và lạ, sau đó tạo dáng làm mai cảnh. Lý giải vì sao chọn mai rừng làm gốc, chị Lượng cho rằng, cây mai rừng có lợi thế là khả năng thích nghi, sức chịu đựng tốt.
Mỗi ngày, chị tưới cho vườn mai rừng này từ 1 đến 2 lần. Ảnh Lê Hòa |
Mai rừng trồng khoảng 3 năm sẽ tiến hành ghép mắt, sau đó chăm sóc, uốn tạo dáng thêm khoảng năm rưỡi thì được đem bán. Mai có đẹp hay không phụ thuộc vào đôi bàn tay chăm sóc của người trồng, vất vả nhất là khi mắt mai mới nảy mầm và canh cho mai trổ bông trúng thời điểm, đều, to và đẹp. “Mắt mai mới nảy mầm phải được giữ ẩm và chăm sóc cẩn thận. Thường thì rất hạn chế sử dụng phân bón hóa học, mà nên ưu tiên dùng phân chuồng, thêm một ít phân vi sinh, phân bón lá để kích thích cho cây. Muốn mai trổ bông đẹp phải canh thời điểm nhặt lá và căn cứ theo tình hình thời tiết mà điều chỉnh chế độ chăm sóc”- chị Lượng chia sẻ kinh nghiệm.
Chị Lượng cho biết, các giống mai anh chị sử dụng ghép đa phần là các loại mai quý và đẹp nổi tiếng ở miền Tây: mai 120 cánh, mai bà Thân, mai bà Tình… Để có được giống mai này, anh chị phải canh mùa mai trổ bông, xuống tận miền Tây tận mắt nhìn hoa và mua cây về chăm sóc để sau này lấy mắt ghép. “Mắt ghép cây mai khi cắt ra không thể để lâu nên vợ chồng tôi chọn phương án đưa một cây mai quý về trồng để sau này lấy giống. Chỉ có cách ấy mới đưa được giống ấy về đây và tiết kiệm chi phí”-chị Lượng chia sẻ.
Loài hoa sen thủy tước được chị đem về trồng ra bông khá đẹp mắt. Ảnh Lê Hòa |
Rất khó để xác định giá trị kinh tế sau này của vườn mai đem lại nhưng có lẽ, chúng sẽ là không nhỏ. Ngoài ra, vườn cây giống có phần giản đơn của gia đình chị Lượng lại có khá nhiều loại hoa lạ và đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc phức tạp: hồng Đà Lạt, trà mi đỏ, hải đường, sen thủy tước… Đây quả là điều thú vị giữa vùng đồi núi xa xôi, khô cằn ở Đak Tơ Ve.
Lê Hòa