Việt Nam cần chiến lược bài bản và chính sách ưu đãi mới theo hướng chọn lọc và chặt chẽ hơn
Ưu đãi đầu tư là một trong những nội dung quan trọng trong Luật Đầu tư (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận để thông qua tại kỳ họp này. Nhiều ý kiến cho rằng cần chính sách ưu đãi thu hút mới nhằm tận dụng tốt hơn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho phát triển kinh tế, tạo ra sự liên kết với doanh nghiệp (DN) nội địa và nâng giá trị gia tăng cho khu vực kinh tế trong nước.
Chọn lọc ngành nghề
Theo dự thảo luật, các ưu đãi về tài chính tập trung vào 3 lĩnh vực: ưu đãi về thuế thu nhập DN; thuế xuất nhập khẩu; tài chính, đất đai; khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Để bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, dự thảo luật quy định các ngành, nghề được ưu đãi đầu tư, bao gồm: hoạt động công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm điện tử, sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp, ôtô, phụ tùng ôtô; đóng tàu; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm; nuôi trồng, chế biến nông lâm thủy sản; thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải…
Khi thẩm tra về dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các ngành, nghề được đưa vào dự thảo luật nhằm phù hợp với định hướng thu hút đầu tư tại Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị. "Đây là những ngành, nghề có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao, nếu được ưu đãi đầu tư sẽ thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, mang lại nguồn thu lớn hơn cho ngân sách nhà nước" - ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh.
Sản xuất ôtô là một trong những ngành được ưu đãi đầu tư theo dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) Ảnh: TẤN THẠNH
Việc quy định ưu đãi đầu tư sắp tới cũng sẽ được áp dụng có thời hạn, trên cơ sở kết quả thực hiện dự án. Dự luật sắp được Quốc hội thông qua sẽ đề nghị Chính phủ quy định chi tiết danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn đầu tư phải bảo đảm nguyên tắc thu hút vốn có chọn lọc, phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn, tránh áp dụng tràn lan.
Bà Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng việc quy định ưu đãi đầu tư theo hướng áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập DN được miễn, giảm có thời hạn hoặc cả đời dự án; ưu đãi được áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng... sẽ đặt ra tình huống một công ty có thể đồng thời có nhiều dự án hoặc cấu phần với các mức thuế suất được ưu đãi khác nhau. "Việc này vô tình khuyến khích DN chuyển giá, chuyển lợi nhuận từ dự án cấu phần đầu tư có mức thuế suất cao sang dự án cấu phần đầu tư có mức thuế suất thấp để trốn thuế" - bà Hà lo ngại.
Từ đó, bà Lê Thu Hà kiến nghị đưa ra các ưu đãi để thu hút FDI cần cân nhắc áp dụng các biện pháp ưu đãi thuế dựa trên chi phí như các nước đã bắt đầu áp dụng như khấu hao nhanh, tăng mức chiết trừ thu nhập chịu thuế. Cơ chế này bảo đảm rằng chỉ khi dự án đi vào thực hiện có đầu tư thực tế, có chi phí thực tế thì mới được hưởng ưu đãi, từ đó chống được hiện tượng đầu tư ảo và khai vống vốn đầu tư.
Một số ý kiến cũng cho rằng chỉ nên dành ưu đãi vượt trội cho những lĩnh vực mới, công nghệ mới vào Việt Nam. Còn với những lĩnh vực đã đầu tư phổ biến ở Việt Nam nên áp dụng ưu đãi như mức thông thường.
Sớm lên lộ trình rõ ràng để hành động ngay
Bên cạnh chính sách ưu đãi đầu tư, để tranh thủ tận dụng được dòng dịch chuyển vốn FDI trong bối cảnh các nhà đầu tư đang dịch chuyển sản xuất trong và sau đại dịch, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chiến lược bài bản và có lộ trình rõ ràng để thu hút FDI.
TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), phân tích nếu chỉ đơn thuần nhà đầu tư dịch chuyển sản xuất sang cho gia công thì Việt Nam sẽ tiếp tục rơi vào bẫy gia công.
"Như Ấn Độ, họ đang dành đất ở các bang để sẵn sàng cơ sở hạ tầng thu hút đầu tư FDI; lựa chọn ngay 3-4 ngành ưu tiên cần thu hút vốn ngoại; nhận diện khoảng 1.000 đầu tư của Mỹ và lên kế hoạch tiếp cận ngay. Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội và để biến thành hiện thực cũng cần một chiến lược bài bản, mục tiêu rõ ràng nhằm hành động ngay. Nếu không, cơ hội sẽ vụt qua" - TS Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.
Từ cơ hội đến thực tế luôn có khoảng cách nhất định. Do đó, TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, nhấn mạnh định hướng chính sách, thực lực và sự chuẩn bị của Việt Nam mới quyết định số lượng và quan trọng hơn là cơ cấu và chất lượng dòng vốn FDI mà nền kinh tế thu hút được. Nếu không có chính sách và cơ chế khuyến khích đúng đắn, Việt Nam lại chỉ thu hút được các dự án FDI gia công, công nghệ cũ - điều này góp phần làm trầm trọng thêm cơ cấu hiện tại và cản trở nỗ lực tái cơ cấu.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cũng lưu ý việc lựa chọn đầu tư FDI cần hướng đến dự án chất lượng cao, thân thiện môi trường, công nghệ hiện đại phù hợp với Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị. Cụ thể, việc lựa chọn, sàng lọc các dự án FDI cần chặt chẽ, thay đổi tư duy và hành động rồi đề ra chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý với từng dự án, từng địa phương và từng giai đoạn phát triển, bảo đảm lợi ích quốc gia và lợi ích địa phương. Việt Nam cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để thu hút được các nhà đầu tư có tầm cỡ.
Phải có chế tài xử lý Ông Trần Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kiến nghị trong cơ chế ưu đãi đầu tư, nên nghiên cứu bổ sung quy định rõ về trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết thì phải có chế tài xử lý, thu hồi các khoản ưu đãi, hỗ trợ mà họ được hưởng để bảo đảm chặt chẽ và công bằng. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chính sách ưu đãi được xây dựng và áp dụng có thời hạn, bảo đảm hiệu quả và chất lượng, đạt được mục tiêu thu hút đầu tư. Đối tượng muốn hưởng ưu đãi phải dựa vào kết quả thực hiện dự án. |
Châu Á cạnh tranh đón vốn FDI Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhiều nhà sản xuất toàn cầu dần giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc để tránh gián đoạn và các nước khu vực châu Á đang được cân nhắc là sự lựa chọn thay thế. Để đón dòng vốn dịch chuyển này, Malaysia đã phát triển các nền tảng cơ bản mạnh mẽ bao gồm cơ sở hạ tầng, mạng lưới chuỗi cung ứng, kết nối và tài năng giúp nước này trở thành điểm đầu tư hấp dẫn trong khu vực. Ông Azman Mahmud, Giám đốc điều hành của Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia, nói với tờ The Malaysian Reserve: "Chúng tôi biết khá nhiều công ty bày tỏ ý định chuyển khỏi Trung Quốc và đã thuyết phục họ. Vấn đề duy nhất là thời gian". Quan chức này khẳng định Malaysia sẵn sàng chào đón các tập đoàn đa quốc gia một khi họ rời Trung Quốc. Bà Wira Jalilah Baba, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Crewstone International Sdn Bhd (Malaysia), nói sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài thành lập trụ sở khu vực ASEAN của họ tại Malaysia với nhiều hình thức ưu đãi thuế. Song song đó, Malaysia cũng sẽ "trải thảm đỏ" cho các công ty sản xuất công nghệ hiện đại, những bộ phận và linh kiện có giá trị cao cần thiết cho ngành công nghiệp ở Malaysia. Không đứng ngoài cuộc, Ấn Độ mới đây đã tuyên bố nới lỏng các chính sách nhằm mời chào những tập đoàn lớn như Apple mở rộng sản xuất tại quốc gia này. Chính phủ Ấn Độ đã quyết định loại bỏ và thay đổi một số điều khoản trong chính sách khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) tại quốc gia này. PLI là một gói hỗ trợ nhằm khuyến khích Apple của Mỹ, Samsung của Hàn Quốc hay một số hãng khác biến Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu của họ. Những nhà sản xuất thiết bị điện tử sẽ được hưởng ưu đãi trên doanh số gia tăng bán hàng khi sản xuất tại Ấn Độ trong thời gian 5 năm. Apple rất có thể sẽ là công ty đầu tiên được hưởng chính sách ưu đãi mới này. Một số nhà cung ứng linh kiện của Apple như Wistron, Pegatron và Foxconn có thể sẽ sớm chuyển một phần dây chuyền sản xuất sản phẩm sang Ấn Độ. Theo tờ Policy Times (Ấn Độ), 27 công ty Mỹ sẽ di dời nhà máy từ Trung Quốc đến Indonesia trong thời gian tới. Chính phủ Indonesia cũng chuẩn bị 4.000 ha đất tại khu công nghiệp Brebes, thuộc tỉnh Trung Java để đón các công ty từ Mỹ. Xuân Mai |
THÁI PHƯƠNG-MINH CHIẾN (NLĐO)