Chủ động ngăn chặn dịch ở Tây Nguyên: Thích ứng an toàn và linh hoạt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thực tế cho thấy đang có nhiều ổ dịch bùng phát trong cộng đồng nên các tỉnh Tây Nguyên cần phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý nhanh nhất, hạn chế sự lây lan và nhanh chóng “bao phủ” vaccine.
Đến thời điểm hiện tại, các tỉnh Tây Nguyên cơ bản kiểm soát được tình hình dịch, tuy nhiên nguy cơ bùng phát đợt dịch mới trên địa bàn vẫn hiện hữu.
Thực tế cho thấy đang có nhiều ổ dịch bùng phát trong cộng đồng đã qua nhiều chu kỳ lây nhiễm với số lượng lớn. Do đó, các tỉnh Tây Nguyên cần phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý nhanh nhất có thể, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng, đồng thời nhanh chóng “bao phủ” vaccine để từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới” theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Phát hiện sớm, dập dịch nhanh
Để nâng cao khả năng phát hiện sớm các ổ dịch cũng như theo dõi công dân cách ly tại nhà, ngành y tế Đắk Lắk đã triển khai hệ thống Trạm Y tế lưu động tại các xã, phường.
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết Trạm Y tế lưu động là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 hiện nay. Bên cạnh đó, với đặc thù địa bàn rộng, nhiều vùng sâu, vùng xa nên ngành y tế đã triển khai tại tất cả các huyện, thị xã "vùng đỏ" các xe lưu động được trang bị bình ôxy, vật tư phục vụ test nhanh để chủ động truy vết các chùm ca bệnh, các ổ dịch. Điều này sẽ tăng khả năng cơ động, năng lực của hệ thống y tế cơ sở và góp phần kiểm soát sớm các ổ dịch, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, để ứng phó với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục rà soát năng lực điều trị, chuẩn bị dự phòng phương án thành lập thêm bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở vật chất trong điều trị để giảm áp cho hệ thống y tế và hoàn toàn chủ động trong tỉnh huống dịch bùng phát mạnh trong cộng đồng.
“Bên cạnh đó, tỉnh giao ngành y tế tiếp tục tầm soát toàn bộ người về từ vùng dịch, các đối tượng nguy cơ để phát hiện kịp thời F0 và triển khai các biện pháp cách ly đúng quy định, hiệu quả trong phòng, chống dịch. Tỉnh cũng giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhanh chóng kiểm tra toàn bộ các khu cách ly đảm bảo đầy đủ điều kiện hạ tầng, không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly,” bà Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết.
Trước diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, tỉnh Lâm Đồng cũng chủ động thay đổi các biện pháp chống dịch. Theo Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận, ngành y tế quán triệt hệ thống y tế phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở để phát hiện sớm các ca mắc trong cộng đồng.
Đồng thời, ngành y tế cấp bách triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhằm hạn chế thấp nhất số ca mắc thứ phát trong cộng đồng, khống chế không để dịch lây lan ra các địa phương khác; trong đó, có việc xét nghiệm trên diện rộng các vùng nguy cơ cao, vùng phong tỏa để kịp thời phát hiện F0 và truy vết thần tốc để phát hiện sớm F1, F2 và cách ly nhanh chóng; chủ động lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên tại các xã, phường, thôn, buôn gần các địa bàn có dịch để kịp thời phát hiện và xử lý nhanh các ổ dịch trong cộng đồng.
Theo Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Tiến sỹ Viên Chinh Chiến, ý thức được tình trạng nguy cấp của khả năng bùng dịch nên chính quyền và ngành y tế tại các tỉnh Tây Nguyên đã vào cuộc quyết liệt, chủ động đón tiếp, phân nhóm những người từ vùng dịch về và kiểm soát rất chặt các đối tượng từ hệ thống tuyến thôn, xã trở lên để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Những người nguy cơ cao (F1, người chưa tiêm vaccine và có yếu tố dịch tễ rõ ràng…) đều được các địa phương đưa vào khu cách ly tập trung (cấp tỉnh, huyện) hoặc khu theo dõi sức khỏe cộng đồng (cấp xã, cấp thôn) để đảm bảo hạn chế tối đa nguy cơ cho cộng đồng. Những người còn lại đều được cho cách ly y tế dưới hình thức cách ly tại nhà hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà và có hệ thống chính quyền, chi bộ cơ sở, y tế cơ sở cũng như các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, trực tiếp giám sát, theo dõi. Nhờ đó, mặc dù số ca mắc tăng khá nhanh nhưng dịch vẫn được kiểm soát vì hầu hết các ca bệnh đều nằm trong phạm vi kiểm soát của chính quyền và ngành y tế các địa phương.
“Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao nhận thức về bệnh tật để cùng chung tay phòng, chống dịch COVID-19. Hệ thống chính trị các địa phương cũng rất quan tâm huy động mọi nguồn lực để đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, trật tự góp phần giữ vững trận địa phòng, chống dịch đang rất căng thẳng hiện nay,” Tiến sỹ Viên Chinh Chiến cho hay.
 
Lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh Trường Tiểu học Phan Bội Châu, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh Trường Tiểu học Phan Bội Châu, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Cũng theo Tiến sỹ Viên Chinh Chiến, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” để chuyển dần sang trạng thái “bình thường mới” các tỉnh Tây Nguyên cần sớm có kế hoạch chuyển đổi các hình thức phòng, chống dịch theo các chỉ thị, hướng dẫn cũ sang trạng thái “bình thường mới” theo nghị quyết 128/NQ-CP một cách khoa học và phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, từ thực tiễn, kinh nghiệm trong phòng, chống dịch thời gian qua, các địa phương sẽ hoàn thiện kỹ năng ứng phó nhanh, hiệu quả với các tình huống dịch bệnh và sẵn sàng chuyển mình sang trạng thái “bình thường mới.”
Nhanh chóng “bao phủ” vaccine
Trên cơ sở phân bổ vaccine của Bộ Y tế, các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên để đảm công tác phòng dịch hiệu quả nhất.
Tại Đắk Lắk, tính đến ngày 18/10, trong số gần 1,4 triệu người trên 18 tuổi mới có 305.049 người tiêm đủ 2 mũi chiếm gần 22,4%. Vừa qua, tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận 400.000 liều vaccine phòng COVID-19 do Bộ Y tế phân bổ. Số vaccine này đủ để tiêm 2 mũi cho 200.000 người.
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết hiện ngành y tế địa phương đang ưu tiên nguồn vaccine tiêm cho người dân ở các khu vực có nguy cơ cao, có diễn biến dịch phức tạp trong thời qua như các huyện Cư M’gar, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột… Các đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine trong đợt này gồm những người trở về từ vùng dịch thuộc các tỉnh phía Nam (đã tiêm một mũi hoặc chưa tiêm mũi vaccine nào); các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch; người già trên 60 tuổi; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú và một số trường hợp là học sinh, sinh viên sẽ quay trở lại các tỉnh học tập trong thời gian tới.
Tỉnh Lâm Đồng hiện chỉ có 20% số người đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19, tỉnh cũng đặt mục tiêu đến tháng 11/2021 sẽ hoàn thành việc tiêm vaccine hai mũi cho người dân trên 18 tuổi.
So với khu vực khác, đến thời điểm hiện tại, Tây Nguyên vẫn được xem là “vùng trũng” về độ bao phủ vaccine phòng COVID-19. Vì vậy, các địa phương trong khu vực đều mong muốn Bộ Y tế ưu tiên phân bổ thêm vaccine để phòng dịch hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát đợt dịch mới do dòng người trở về từ vùng dịch rất lớn.
Có thể thấy, trước nguy cơ bùng phát đợt dịch mới ở khu vực Tây Nguyên, chính quyền các địa phương và người dân đều có sự chủ động nhất định về phòng, chống dịch, điều này góp phần hạn chế và kiểm soát dịch bùng phát ở cộng đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường thì việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phải được thực hiện đồng bộ hơn, quyết liệt hơn từ hệ thống chính quyền các cấp và chính bản thân mỗi người dân.
(TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm