Choáng với sinh vật giữ nguyên hình dạng thời khủng long, trốn dưới mỏ vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một loài vi sinh vật thuộc về "siêu lục địa đã mất" Pangea đã gây sốc cho giới khoa học khi hoàn toàn ngừng tiến hóa trong suốt 175 triệu năm, tức từ giữa kỷ Jura.
Khám phá này cho thấy chúng ta phải cẩn thận khi đưa ra các giả định về tốc độ tiến hóa, cũng như cách chúng ta phân tích cây sự sống" -  tờ Science Alert dẫn lời tiến sĩ Eric Becraft từ Đại học Bắc Alabama (Mỹ).
 
Chân dung loài vi sinh vật không hề tiến hóa từ thời khủng long - Ảnh: Science
Chân dung loài vi sinh vật không hề tiến hóa từ thời khủng long - Ảnh: Science
Sinh vật được nhắc đến là Candidatus Desulforudis audaxviator (CDA), một loài vi khuẩn sống sâu dưới lòng đất, thu thập chất dinh dưỡng từ các phản ứng hóa học do phân rã phóng xạ của uranium, kali và thorium. Chúng được tìm thấy lần đầu ở độ sâu 2,8 km trong một mỏ vàng ở Nam Phi, sau đó lần lượt được phát hiện thêm tại Siberia và California (Mỹ).
Nhóm nghiên cứu cho biết CDA là một "hóa thạch sống" hoàn hảo: chúng vẫn sống khỏe trong trạng thái "ngưng trệ tiến hóa" trong ít nhất 175 triệu năm, tức không thay đổi từ giữa kỷ Jura đến nay. Trước đó, các nghiên cứu cho thấy tiến hóa là một điều vô cùng quan trọng với mọi sinh vật trên Trái Đất để thích nghi với môi trường không ngừng biến động của hành tinh. Tuy nhiên CDA chứng minh điều ngược lại: chúng vẫn sống tốt, "ăn" tốt bằng cách thức cũ cho dù Trái Đất đi qua đại tuyệt chủng và không ít lần biến đổi khắc nghiệt.
Bằng chứng cho sự ngưng trệ tiến hóa này chính là sự giống nhau tuyệt đối khi so sánh bộ gene của các CDA được thu thập từ 3 địa điểm nói trên. Nằm trên 3 lục địa, chúng hoàn toàn không thể tiếp xúc với nhau để có sự tương đồng di truyền mạnh mẽ như thế. Câu trả lời duy nhất là chúng từng có sự kết nối với nhau khi tất cả các lục địa Trái Đất còn hợp chung thành siêu lục địa Pangea. 175 triệu năm trước là thời điểm siêu lục địa này tan rã. Nhờ không tiến hóa, chúng vẫn giống nhau tuyệt đối dù bị chia tách.
Tại nơi đầu tiên nó được tìm thấy – mỏ vàng ở Nam Phi – CDA là loài chiếm lĩnh với "dân số" chiếm 99,9% hệ vi sinh vật ở đây. Nó đã tự tạo nên một hệ sinh thái đơn loài hoàn toàn hiệu quả.
Viết trong bài công bố trên ISME Journal, tiến sĩ Becraff cho biết phát hiện này có thể giúp phát triển những ứng dụng tiềm năng trong công nghệ sinh học, bởi sự không tiến hóa  của sinh vật kỳ lạ này liên quan đến một cơ chế đặc biệt giúp chống lại đột biến DNA.
Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm