Chợ quê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Xa quê đã nhiều năm nhưng đến giờ tôi vẫn không quên được cảnh chợ ngày Tết ở quê nhà. Đó là một vùng nông thôn gần đầm Thị Nại, vạn Gò Bồi, thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. 
Chợ nằm giữa làng Phụng Sơn và thường nhóm họp vào một số ngày nhất định trong tháng. Chợ quê nên chủ yếu bán mua những sản vật tại chỗ như heo, gà vịt, tôm cá, rau quả các loại, thêm ít hàng may mặc, giày dép, hàng thủ công đan lát và quà vặt… Mẹ tôi cũng thường bán hàng ở chợ. Hàng bà bán là nước mắm, xì dầu, dầu ăn, dầu lửa… Cứ đến phiên là bà lại gánh một gánh nặng, trên đó nào thùng nhỏ, nào chai, ống thụt (ống bằng thiếc, hình chữ L lộn ngược, bơm thụt sèn sẹt để đưa dầu từ thùng ra chai), muỗng các loại... Chợ quê ngày Tết rất vui, tràn ngập tiếng nói cười rộn rã. Người đi chợ đều là dân các làng trong xã, hầu như đều quen biết nhau nên người bán không nói thách, người mua theo thói quen chỉ mặc cả qua loa. Nhớ lắm những người đàn bà đến mua dầu dừa, ai cũng thế, mua xong quẹt một chút dầu dính từ chai hoặc ống thụt rồi đưa lên bôi mái tóc óng mượt. Ngày còn nhỏ theo mẹ đi chợ Tết, tôi thường lẩn quẩn hàng quà, thi thoảng có gánh mãi võ đến múa võ, bán thuốc cao đơn hoàn tán. Bọn trẻ chúng tôi chen lấn vào bên trong ngồi xổm xuống, miệng há hốc xem biểu diễn nhảy qua vòng lửa, múa côn, đánh quyền…
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Khác với quê nhà, các làng vùng xa, vùng sâu ở Tây Nguyên trước kia vốn không có chợ. Bà con thường gùi những sản vật của địa phương như: gà, cá suối, măng le, bầu bí, xoài vườn, mật ong rừng… trao đổi với nhau. Đến những năm sau này buôn làng mới bắt đầu manh nha một vài chợ nhỏ, nhóm họp chớp nhoáng trong vài giờ là tan. Bấy giờ bà con dân tộc thiểu số tại chỗ cũng chưa quen với việc mua bán, phần lớn phụ thuộc vào người bán hoặc mua, nói sao trả vậy. Rồi lần lượt các công-nông trường mọc lên, các khu kinh tế mới hình thành, cả những người dân di cư tự do cũng theo nhau lên Tây Nguyên lập nghiệp. Đời sống xã hội và văn hóa các vùng miền giao thoa, người dân các làng dần quen với kiểu trao đổi mới bằng đồng tiền. Các “công ty 2 sọt” cũng xuất hiện ở vùng xa, vùng sâu, họ mang lương thực, thực phẩm đến cung ứng cho bà con và mua về sản vật tại chỗ. Chiếc xe gắn máy của họ quả thật rất vạn năng, chở được bao nhiêu hàng hóa, từ gạo cho đến các loại thịt, cá, sợi bún, bánh phở, rau dưa, gia vị…, không thiếu thứ gì. Tuy quy mô còn nhỏ nhưng nhờ có chợ, đời sống của bà con các buôn làng phần nào được nâng cao, đáp ứng nhu cầu mua sắm, bước đầu đã hình thành được tập quán mua bán và biết sử dụng đồng tiền vào sinh hoạt. Gạo, mắm, muối, mì tôm, bột nêm… có sẵn trong quán làng. Nải chuối, con gà, gùi măng… bà con mang ra chợ là có người hỏi mua, được giá mới bán rồi mua về những thứ cần thiết cho gia đình. Gần đây, vào dịp cuối năm, ngành Công thương thường tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, tại đây người dân vùng xa có thể tiếp cận các mặt hàng tiêu dùng mới do Việt Nam sản xuất, góp phần làm phong phú thêm đời sống các buôn làng.
Năm tháng qua đi nhưng chợ phiên quê tôi vẫn còn đó những hàng quán mua bán như xưa. Chợ quê và chợ làng ở Tây Nguyên tuy cách xa nhau về mặt địa lý nhưng vẫn có nét tương đồng, đó là sự chân chất trong văn hóa mua bán, là sự góp mặt của những sản vật do chính người dân tại chỗ làm ra, là sự pha trộn giữa nét giao tiếp mộc mạc nông thôn và hối hả đô thị.
Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Tết của ai?

Tết của ai?

Tiêu đề nghe buồn cười và có vẻ thừa? Không hẳn. Cứ nghĩ là chuyện đơn giản, ai cũng biết, nhưng không phải vậy.
Tết Hà Nội xưa

Tết Hà Nội xưa

Những hình ảnh về không khí Tết ở Thủ đô cách đây hơn 4 thập kỷ đang được trưng bày tại Trung tâm triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam.