Nồng ấm Tết xưa của người Nam Bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

“Cu kêu ba tiếng cu kêu Mong cho đến Tết dựng nêu ăn chè”

Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp khi mà nhà nhà làm lễ tiễn đưa ông Táo về trời. Quanh năm suốt tháng ông Táo ngồi trong xó bếp, cuối năm cũng phải làm lễ tươm tất để tiễn đưa ông Táo về trời, vậy là mâm cúng gồm kẹo thèo lèo, xôi, giấy cờ bay ngựa chạy và nhất là chén chè trôi nước là không thể thiếu.

 

 

Cái thứ chè mà phải ngâm đậu từ tối hôm trước, đãi vỏ từ sáng hôm sau, đậu làm cho sạch sau đó nấu cho mềm tơi không cứng, không nát. Rồi phải xay bột nếp, ép dẹp thành từng miếng tròn để bao lấy viên đậu xanh đã ngào với đường. Viên bánh trôi nước lúc này mới bắt đầu công cuộc “7 nổi 3 chìm với nước non”. Từ lúc nổi lên mặt nước sôi ùng ục đến lúc cho vào nồi nước lạnh để khỏi dính, sau đó cho vào nồi đường có chút gừng thái sợi chỉ.

Theo quan niệm dân gian, tuy là người dân thờ ông Táo nhưng lại không thích ông Táo, vì vợ chồng ông Táo có cái miệng bép xép, vậy nên phải cúng đồ ngọt để ông Táo nói ngon nói ngọt khi lên trời tâu với Ngọc Hoàng, để thế gian được nhờ.

Người Hoa cúng ông Táo bằng kẹo thèo lèo, người ta còn cúng thêm cặp mía với ngụ ý “Nếu đi dọc đường có khát nước lấy mía ra ăn” cũng là chất ngọt, người Quảng Đông cúng ông Táo bằng bánh ca dé, ngọt gắt để vợ chồng ông Táo tắt tiếng không nói điều bậy bạ.

 

 

Chiều 30 mọi người làm mâm cơm cúng tổ tiên ông bà, có gia đình rước ông bà vào ngày 28 -29-30 đến gần giao thừa mới rước ông Táo về nhà, và dựng nêu để trừ ma quỷ không phá dân mà ăn Tết.

Một điều đặc biệt là người Phương Nam không hái lộc đầu xuân, nên chiều 30 Tết cây cối trong vườn nhà sẽ được tưới, từ mùng 1 – mùng 3 sẽ không tưới cây, hái rau, hái trái cho đến khi qua ngày mùng 4 mới được phép.

Tục lệ tắm vào ngày cuối năm, cũng thành thông lệ của người Phương Nam, với ngụ ý làm sạch đi những điều không may mắn, xúi quẩy, rửa trôi những điều bức rứt, bực bội trong năm cũ, để con người thảnh thơi ăn Tết.

 

 

Khi màu hoa vạn thọ khoe sắc, cũng là lúc người ta mang lư đồng ra lau chùi đánh bóng, rồi mới ra vườn vặt lá mai để hoa nở đúng giao thừa lấy may mắn.

Tết trước tiên là cho những người đã khuất, ông bà tổ tiên rồi mới đến người còn sống. Con cháu no đủ, nghỉ ngơi trong ngày Tết thì ông bà cũng phải được cúng Tết chu đáo. Cái Tết ông bà trong Miền Nam bắt đầu từ đầu tháng Chạp khi mà nhà nhà đi tảo mộ. Ngày xưa, nhà làm quan, dân mua bán sẽ tảo mộ vào đầu tháng Chạp để còn mua bán, lo việc chuẩn bị Tết. Còn dân nhà nông đầu tắt mặt tối nên tảo mộ vào 20 -23 tháng Chạp, bởi vậy người dân hay nói cứ xem ngày nhà đi tảo mộ là biết sang hay hèn.

Theo phong tục xưa, khi tảo mộ ngoài việc cúng bái, còn dùng một nắm đất hay cục đá dằn lên nắm mộ, đến chiều 30 thanh niên trong xóm, cầm cuốc, xẻng đi khắp xóm, ngôi mộ nào chưa được dằn thì họ có quyền vào làm cỏ được gọi là “chạp mã vàng” một nét đặc trưng của người khai hoang xa xưa.

 

 

Ngày 30 cũng là ngày của rất nhiều lễ nghi thờ cúng Tết, phụ nữ lo mâm cơm cúng, đàn ông là chuẩn bị mâm ngũ quả. Đặc biệt, người Phương Nam rất trọng chữ nghĩa nên mâm ngũ quả phải có đủ “quýt, cam và bưởi”. Vì “quýt” đọc theo Hán là “kiết” nghĩa là tốt lành. Cam và bưởi lớn hơn quýt nên là “đại kiết” nhiều may mắn hơn, trái đu đủ và dừa tượng trưng cho no đủ. Về sau có “cầu – dừa – đủ xài – sung” cũng là cách chơi chữ may mắn.

Từ chiều 30 Tết giếng nước phải được đóng lại, mọi người phải trữ nước sẵn để dùng trong Tết. Tết giếng gồm bánh tét, mứt, trái cây, nhang, đèn cây, cúng trước giếng sau đó nắp giếng được mở ra, gàu nước đầu tiên múc lên lấy một ít nước bổ sung vào mâm cúng, sau đó dán giấy đỏ vào thành giếng.

Mùng 3 Tết là ngày cúng Long thần, Thổ thần. Cúng Long Thần phải có bộ Tam sên gồm con tôm, miếng thịt heo, hột vịt. Còn cúng Thổ thần phải có con gà luộc và Thổ địa cùng chè trôi nước.

 

 

Nghi thức dán giấy đỏ vào cây cối, cột nhà, đồ vật được xem như một cách xin phép các vị thần rằng sang năm mới gia chủ được phép đụng vào vườn cây, vật, nhà cửa được bảo hộ bởi các thần.

Phong tục ngày Tết mỗi nơi mỗi khác, với những con người phóng khoáng Nam Bộ, Tết với họ là cả một câu chuyện về sự kết nối giữa tâm linh và con người như một nét tập quán đẹp tồn tại lâu đời tạo nên bản sắc riêng.

Anh Thư/songmoi

Có thể bạn quan tâm

Tết của ai?

Tết của ai?

Tiêu đề nghe buồn cười và có vẻ thừa? Không hẳn. Cứ nghĩ là chuyện đơn giản, ai cũng biết, nhưng không phải vậy.
Tết Hà Nội xưa

Tết Hà Nội xưa

Những hình ảnh về không khí Tết ở Thủ đô cách đây hơn 4 thập kỷ đang được trưng bày tại Trung tâm triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam.