Nỗi lo tháng Chạp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Năm nào cũng vậy, không hẹn mà gặp, không chờ mà đến, 6 “cái mệt” kể ra dưới đây không biết đến bao giờ mới rơi rụng bớt, để mọi người bớt lo, bớt khổ, bớt mệt.
Xin liệt kê ra ngay, đó là: cưới xin, tân gia, tất niên, chạp mả, mừng sếp, liên hoan cuối năm. Trong đó có 3 cái mà Trung ương nghiêm cấm đối với cán bộ, công chức, viên chức là quà cáp mừng sếp, lợi dụng tân gia để trục lợi và tiệc tùng liên hoan cuối năm linh đình tốn kém. Tuy cấm nhưng trên thực tế, những tập quán và thói quen xấu này vẫn còn tồn tại. Đặc biệt là chuyện quà cáp cho sếp bây giờ “ẩn” dưới nhiều vỏ bọc, hình thức khác nhau, tinh vi hơn để tránh bị phát hiện. Và một khi nó còn tồn tại thì tình trạng tiêu cực, thất thoát của công còn xảy ra, sự nhiêu khê, phiền phức còn kéo dài, xa hơn là đàm tiếu, dư luận không tốt với cả xã hội.  
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Vậy những cái lâu nay thuộc về phong tục tập quán như: chạp mả, tất niên, cưới xin thì sao?
Thật ra, với tất niên, xã hội bây giờ quan niệm “thoáng” hơn, tổ chức bớt nặng nề, tốn kém, nhất là khu vực đô thị. Nghĩa là tùy điều kiện, hoàn cảnh mà bày tỏ tấm lòng với ông bà, thuận theo tín ngưỡng “xưa bày nay làm” ông cha truyền dạy, sau một năm gia đình vất vả làm ăn, phấn đấu. Của ít lòng nhiều, “trên trước” hẳn không lấy làm điều chuyện mâm cao cỗ đầy hay giản tiện đạm bạc. Nhà tôi năm nào cũng tất niên trên tinh thần ấy, sau đó thì mời chòm xóm, bạn bè, anh em thân thiết ngồi lại với nhau lai rai vài chén rượu ôn lại chuyện gần chuyện xa, thăm hỏi, mừng nhau năm mới phát lộc phát tài, vì trong năm cũ do nhiều lý do ít có dịp tiếp xúc gặp gỡ, hàn huyên tâm sự. Điều đáng nói là nhiều tất niên bây giờ chẳng khác gì tiệc tùng, tất niên có khi chỉ là cái cớ để “tỉ thí”, “sát phạt”, “chén chú chén anh” với nhau đến “quắc cần câu” mới thôi!
Còn chuyện chạp mả, cưới xin cũng tương tự. Nếu quá đà, linh đình thì chẳng riêng “chủ” mà “khách” cũng mệt, vì nhiều lẽ. Ở quê tôi, chạp mả là việc lớn. Dù ở xa, làm “ông to bà lớn” hay cơ khổ thế nào, bận việc gì thì vào ngày đó, ai cũng mong muốn có mặt và tự giác thực hiện. Họ nhà tôi có hẳn một từ đường rất lớn. Má tôi kể ngày xưa họ này có uy ở quê lắm, có ông nghè, ông tổng “máu mặt”. Họ này còn có 4 chi nhỏ ở dưới. Ngày xưa khi còn “hương hỏa”, “chạp mả chạp mồ” không thành vấn đề, là “chuyện nhỏ” bởi chủ động kinh phí tổ chức. Nhưng bây giờ khác, mỗi khi giỗ chạp, các chi họ, con cháu phải đóng góp, mỗi năm một chi. Sau chạp mả họ là đến chạp mả các chi, sau nữa mới đến chạp mả trong gia đình. Chi họ nào có điều kiện, có nhiều người phương trưởng ăn nên làm ra, đỗ đạt thành tài, giàu có thì chạp linh đình hơn. Ngoại trừ yếu tố nhiêu khê, vất vả, theo người viết, chạp mả họ, chạp mả chi hay chạp mả gia đình đều là nét đẹp văn hóa truyền thống cần được lưu giữ. Bởi nhờ đó mà con cháu trong dòng họ, gia đình biết được nguồn cội; thể hiện lòng biết ơn tổ tiên ông bà; ra sức gìn giữ tiếng thơm gia đình, dòng họ; thắt chặt tình cảm dòng họ, anh em ruột thịt… Nói không ngoa, “chạp mồ chạp mả” là một trong những phong tục níu giữ tình cảm con người với con người, với với quê hương, dòng giống, là nét văn hóa rất tốt đẹp của người Việt. Không ít người con xa xứ, thậm chí là ở nước ngoài, nhớ ngày giỗ chạp vẫn lặn lội tìm về sum vầy chan chứa yêu thương, vô cùng xúc động!
Điều phiền phức của nhiều “sự kiện” lớn nhỏ trong gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị, địa phương ở nước ta hiện nay là ở “phần cuối”. Gần như sự việc, sự kiện lớn nhỏ gì cũng phải có liên hoan, tiệc tùng, chè chén. Chỉ vì ý nghĩa, đơn giản, “vui vẻ” thôi thì chẳng có gì để nói, nhưng say sưa, bét nhè, lãng phí vô tình trở thành phản cảm, xấu hổ, đáng trách.
Như vậy, tháng Chạp làm cho chúng ta mệt là có thật. Và chưa biết nó còn khiến chúng ta mệt đến bao giờ? Nguyên nhân hoàn toàn có thể chỉ ra được. Trước tiên, nó tập trung xảy ra trong thời gian ngắn, có khi trùng nhau. Tỷ như một ngày có đến mấy đám cưới, mấy tất niên, mấy tân gia. Vì vậy, cái mệt trước tiên là phải chi nhiều, làm hầu bao chẳng mấy chốc cạn kiệt, trong khi thu nhập có hạn, dịp Tết còn bao nhiêu việc phải lo, nhất là với “thường dân”. Thứ đến là mất thời gian đi lại, chờ đợi, chầu chực. Sau nữa là ảnh hưởng tới sức khỏe do bia rượu, nhậu nhẹt say sưa. Từ bia rượu, không ít người hành xử mất văn hóa, nhẹ thì  nói bậy, chửi tục, nặng thì quậy phá, đánh nhau, gây thương tích… Nguy hại hơn, say sưa rất dễ dẫn đến tai nạn khi tham gia giao thông, hậu quả khó lường. Vậy nên, không biết bao giờ mới đỡ mệt khi tháng Chạp đến? Ao ước thay đổi có là quá đáng?!
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Tết của ai?

Tết của ai?

Tiêu đề nghe buồn cười và có vẻ thừa? Không hẳn. Cứ nghĩ là chuyện đơn giản, ai cũng biết, nhưng không phải vậy.
Tết Hà Nội xưa

Tết Hà Nội xưa

Những hình ảnh về không khí Tết ở Thủ đô cách đây hơn 4 thập kỷ đang được trưng bày tại Trung tâm triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam.