"Người Việt của trước những năm trước là người Việt lo Tết"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Bây giờ người Việt không phải lo toan nhân dịp tết, người Việt đi du lịch nhân dịp tết, còn người Việt của trước những năm 1986 là người Việt lo Tết", chuyên gia Nguyễn Trần Bạt tâm sự nhân ngày đầu năm mới Đinh Dậu 2017.

 

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt.
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt.


Nhân dịp đầu năm mới, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt-Chủ tịch InvestConsult Group đã có những chia sẻ về ngày tết và những kỉ niệm cũng như lo toan dưới góc độ của người làm chủ doanh nghiệp mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Hết năm 2016 cũng là tròn 30 năm đổi mới. Nhìn nhận lại chặng đường này, ông đánh giá Việt Nam đã đạt được những thành tựu gì?

Điều quan trọng nhất là chúng ta đã hội nhập được. Chúng ta đã tham gia một cách đầy đủ và cấp tiến vào các định chế quốc tế về phát triển, ví dụ như WTO. Chúng ta đã tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ký hiệp định BTA với người Mỹ. Chúng ta đã có được một thái độ, một cách thức, một công nghệ hội nhập khá toàn diện trên hầu hết các định chế quốc tế.

Người Việt Nam không từ chối bất kỳ định chế quốc tế nào, kể cả những định chế quốc tế rất nhạy cảm như Công ước của Liên hiệp quốc về Chống tham nhũng, Hiệp ước về Khu vực phi hạt nhân Đông Nam Á, và cả Công ước về Nhân quyền. Tất nhiên, Việt Nam đã tiên tiến trong sự tham gia ấy chưa thì còn là việc phải bàn, nhưng Việt Nam đã đủ gan, đủ ý chí chính trị để tham gia và tôi cho rằng đấy là thành tựu quan trọng nhất.

Thứ hai, chúng ta xây dựng được một nền kinh tế có dấu hiệu thị trường. Đôi khi chúng ta cũng gặp phải những chuyện như chống bán phá giá, đấy là những khó khăn của một nước mới hội nhập thị trường thế giới. Vào khoảng 10-15 năm vừa rồi thì những chuyện ấy có thể thông cảm được.

Nhân dịp Tết Nguyên đán, xin ông chia sẻ một chút kỷ niệm về ngày tết xưa. Ngày tết của những năm trước với bây giờ có gì khác nhau?

Bây giờ người Việt không phải lo toan nhân dịp tết, người Việt đi du lịch nhân dịp tết, còn người Việt của trước những năm 1986 là người Việt lo tết.

Tôi làm trưởng phòng có 25 nhân viên, đến tết là tôi phải lo làm sao có thịt lợn hay thịt bò cho quân của mình. Sự lo toan ngày tết là một trong những kỷ niệm vừa bi thương vừa lãng mạn nhất của người Việt. Giai đoạn nghèo khổ để lại những kỷ niệm sâu sắc làm cho con người tốt đẹp hơn chứ không phải xấu đi như một số người mô tả.

Lo tết là một trong những tâm trạng, những công việc chứa đầy chất thơ và tính nhân văn, dù ở những con người nghèo khổ với nhau. Tôi cũng phải đi về các nông trường, tôi cũng đi làm cầu cống để kiếm những suất bò, lợn mang về cho anh em cán bộ. Lo tết là một kỷ niệm thú vị.

Hiện nay, chúng ta đang ở giai đoạn chơi Tết chứ không lo Tết. Chơi tết thì mỗi người chơi một kiểu, còn lo tết thì mọi người cùng nhau lo, một nhóm người đi lo tết, lo đôi khi nhiều hơn cả khả năng ăn. Người Việt đói quanh năm chỉ no có ba ngày tết, thời bao cấp thì đấy là những kỷ niệm vừa lãng mạn, vừa bí hiểm, vừa thú vị của con người.

Bây giờ tôi cũng lo Tết cho quân của tôi, mỗi người mấy triệu rồi họ tự lo Tết của mình, nhưng khi mà không có mấy triệu, chỉ có vài trăm nghìn thì các chị lãnh đạo ở đây buộc phải đi tìm chỗ nào rẻ nhất mà mua để mỗi người có một túi quà tết.

Đến bây giờ tôi bắt đầu khá giả nhưng tôi chưa thấy có cái tết nào vui vẻ, đẹp đẽ và đầy tình cảm như cái tết của thời bao cấp. Người ta trân trọng từng hạt mứt một, mỗi nhà mua được một gói. Tôi nghĩ rằng bây giờ tìm lại những di chỉ văn hóa ấy trong quan hệ của con người với nhau dịp Tết là rất hiếm.

Cái được của Tết bây giờ còn ở những điểm nào theo quan sát của ông?

Đời sống tốt lên, con người vui vẻ, con người sướng hơn thì tốt, nó chỉ có khía cạnh tiêu cực là làm cho người ta luyến tiếc trước đây.

Còn ở góc độ cộng đồng doanh nghiệp thì sao, thưa ông?

Tết là một vấn đề, doanh nghiệp phải đối phó với lương Tết, thưởng Tết và nghỉ Tết. Tôi đã chứng minh với quân của tôi là cho công ty này nghỉ một ngày là hôm ấy công ty mất khoảng 4.500 USD tiền lương của cả văn phòng.

Nếu kéo dài ngày nghỉ ra thì thời gian lao động ít, mà thời gian lao động ít thì ngoài khó khăn cho chủ lao động, còn khó khăn cho anh em. Vì bản chất của người lao động là sử dụng lao động của mình để có thu nhập, lao động càng ít thì thu nhập càng ít. Đây là một hoạt động kinh tế liên quan đến năng suất, liên quan đến thời gian lao động, cho nên nghỉ nhiều quá làm cho thu nhập xuống.

Vài năm trở lại đây, người ta thường bàn tới câu chuyện bỏ Tết Nguyên đán bởi kỳ nghỉ quá dài khiến giảm năng suất lao động, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhưng cũng có những ý kiến là chúng ta có rất nhiều người đi lao động xa nhà và người ta cũng cần có đợt nghỉ Tết dài để có thể về quê?

Tôi là người phải đối phó với chuyện ấy rất nhiều nên tôi hiểu, làm cho nhu cầu, ví như nhu cầu đi lại và nếu xét một cách lành mạnh thì nó kích cầu kinh tế giao thông vận tải. Cho nên nếu xét những chuyện như thế buộc phải xét một cách toàn diện, còn nếu không chúng ta không thấy hết được tất cả khía cạnh của vấn đề nghỉ Tết.

Nhiều khi nhu cầu đi lại nhiều quá vượt quá khả năng đầu tư của xã hội đối với các phương tiện giao thông vận tải, đối với đường xá, làm cho chi tiêu có vẻ tăng lên, được vụ trước mắt của thu nhập nhưng làm giảm sút rất nhiều dự trữ. Được cái lợi trước mắt, nhưng sẽ giảm dự trữ xã hội.

Nếu công nhân, người lao động về quê quá nhiều làm cho không gắn bó với xí nghiệp, làm do dự ý chí đô thị hóa, cái đó cũng ngăn cản phát triển. Ví dụ, nếu người ta xem việc về quê là thường xuyên thì người ta sẽ không thuê hoặc mua những căn hộ tử tế để ở, hầu hết những lao động di cư là ở nhà trọ tức là ở theo kiểu cửu vạn. Khi ăn ở theo kiểu cửu vạn thì ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, vì người ta không có ý thức kiếm một chỗ ở như là chỗ cư trú khi mình lao động mà chỉ kiếm chỗ để ngủ. Tìm một chỗ ngủ và tìm một chỗ sống là hai tìm khác nhau.

Cho nên không thể nói cái này là hay, cái kia là dở, vì không có cái gì hoàn toàn hay và không có cái gì hoàn toàn dở. Vấn đề là phải cân đối cho phù hợp với khả năng phục vụ của xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Theo Dantri

Có thể bạn quan tâm

Tết của ai?

Tết của ai?

Tiêu đề nghe buồn cười và có vẻ thừa? Không hẳn. Cứ nghĩ là chuyện đơn giản, ai cũng biết, nhưng không phải vậy.
Thương những chiều cuối năm

Thương những chiều cuối năm

(GLO)- Tết đang về gần, lòng ta lại rạo rực với bao cảm xúc. Mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại nghĩ về những chiều cuối năm. Với tôi, chiều cuối năm đặc biệt hơn cả. Đó là thời điểm tết đã về gần lắm, người ta có thể lắng nghe bước chân của nàng xuân đã chạm ngõ nhà mình. Đó cũng là thời gian người ta cảm nhận rõ hơn hơi ấm của của tình thương, niềm vui đong đầy của ngày tết đoàn viên, sum họp…
Tết Hà Nội xưa

Tết Hà Nội xưa

Những hình ảnh về không khí Tết ở Thủ đô cách đây hơn 4 thập kỷ đang được trưng bày tại Trung tâm triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam.