Tết này tôi lại ăn cái bánh trắng 'nửa nắng'!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Với tôi bánh bể, nắng nắng hay bánh sấy không thành vấn đề, quan trọng là mình ăn trong tâm thế vui vẻ, sẻ chia, nghĩa tình, hiểu được cái nhọc nhằn, của người làm ra chiếc bánh tráng sẽ tăng thêm cảm vị món ăn mộc mạc quê nhà.
 Phơi bánh tráng ở làng nghề bánh tráng Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy AN, Phú Yên)
Phơi bánh tráng ở làng nghề bánh tráng Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy AN, Phú Yên)
"Ông trời cũng "mở mắt" những ngày cuối Chạp cho coi". Má tôi vẫn nói vậy mỗi khi bắt đầu tháng Chạp mà trời vẫn còn ui ui xìu xìu, man mát lạnh. 
Trong bốn mùa của năm có vẻ thời tiết của tháng Chạp là không rõ ràng thuộc về mùa nào nhất. Chỉ ngay trong ngày thôi cũng có khi đủ cả bốn mùa. Rất thích. Với tôi, những ngày lao xao cuối Chạp là chộn rộn không khí Tết nhất.
Năm nay thời tiết khác lạ. Là năm nhuận, mà tháng Chạp lại còn lạnh căm, có khi mưa phùn. Thảng hoặc có tí ti nắng. Dường như ông mặt trời vẫn còn ngái ngủ giấc ngủ mùa Đông chưa sẵn sàng đón nàng Xuân ấm áp. Không nhuận thì giờ này đã là tháng Giêng, nắng đã tở mở, tưng bừng trong hơi sương lạnh buổi sáng.
Hồi còn trẻ nít, tháng Chạp là tháng được mong chờ nhất. Đến được ngày đầu tiên của tháng cuối năm là bắt đầu tính từng ngày tới Tết. 
Những nhà có nếp ăn chay ngày đầu tháng và ngày rằm là dễ nhận ra mốc thời gian để chờ đợi nhất. Ăn chay lần thứ nhất còn 29 ngày. Ăn chay lượt thứ hai chỉ còn 14 ngày, là hai tuần lễ chứ mấy. 
Điều này cũng có nghĩa là chỉ còn đi học một tuần nữa là nghỉ tết. Nghĩ đến đó thôi cũng đã rạo rực, hơn hớn mong chờ. 
Mà tết thì bao nhiêu thứ để thỏa mãn ước mơ cả một năm, nào là: được quần áo mới, được tiền lì xì, được ăn bánh thuẫn, bánh kẹp, bánh quy, bánh bò, kẹo trắng kẹo dẻo, cốm hộc, mứt bí, rim dừa… được đi chơi cả ngày, ăn uống tự do, có khi chỉ cần cuốn bánh tráng thịt thưng, rau sống từ sáng là trụ được tới bữa cơm tối…, bao nhiêu là lý do để mong đến tết. 
Người nhà quê, ở các làng nghề, bất kỳ nghề nào thì tháng Chạp là tháng cực nhọc, vất vả nhưng cũng rôm rả nhất. Công việc nhiều, thức khuya dậy sớm cũng đồng nghĩa với những ngày đầu năm mới được chút thong thả, rủng rỉnh tiền lẻ lì xì cho sắp nhỏ, mừng tuổi ông bà, chơi bầu cua cá cọp lấy hên đầu năm.
Với tôi và tôi cũng đồ rằng với rất nhiều người Tết chính là tháng Chạp, còn những ngày nghỉ đầu năm chỉ là nghi lễ và thời gian "nghỉ mệt" hồi phục cho những ngày tháng Chạp quá bận rộn vất vả chuẩn bị Tết. Nói vậy nhưng thật ra cũng không hẳn đúng theo từng góc nhìn.
Trong cái rộn ràng làng nghề tháng tết nhà lò bánh tráng tất bật từ sáng sớm đến tối muộn. Cái nghề làm bánh tráng nhà tôi đến đời thứ ba. Tháng Chạp nắng ráo, bánh tráng cũng đắt. 
Tháng Chạp ui sầm, bánh tráng tráng càng đắt. Vì trời không nắng, bánh tráng máy không hoạt động được nhiều, trông chờ vào các lò bánh tráng thủ công sấy bằng than củi hoặc hơi nóng từ lò tráng.
Bánh sấy do người thay trời tỏa nhiệt dĩ nhiên không thơm mùi thơm của nắng, nhưng nó cũng đảm bảo độ dẻo dai của bánh tráng truyền thống. Bánh tráng ướt sau khi phơi lên vĩ cho vào lò sấy đến độ "dĩu dĩu" sẽ được mang ra hong khí trời. Có gió và thỉnh thoảng vài lần "mở mắt" ấm áp của ông trời tháng Chạp cùng làm bánh khô được và thơm tho. 
Đầu tháng Chạp, mấy người quen đặt bánh tráng ăn tết, thường dặn đi dặn lại lấy cho được bánh tráng nắng. Tôi cười bảo, trời có nắng đâu mà có bánh nắng. Chỉ có bánh tráng nửa nắng thôi!
Quê tôi làng nghề bánh tráng Hòa Đa (An Mỹ, Tuy An) nổi tiếng cả… nước, bánh tráng ở đây còn ra cả nước ngoài. Bây giờ đã có bánh tráng máy, sản xuất hàng loạt, một ngày nắng đẹp sản xuất được nhiều thiên bánh. 
Nhưng các lò bánh tránh thủ công vẫn có khách hàng riêng, quanh năm vẫn đỏ lửa, đặc biệt là tháng Tết. Nhiều người bạn thuở học trò với tôi sau khi đôn đáo, nhiều người cũng theo nghề bánh tráng truyền thống.
Tôi vẫn thường nhủ, mình lớn lên, được học hành, có công việc ổn định như hôm nay cũng chính nhờ những cái bánh bể, bánh sấy (vì bánh ngon để dành bán rồi). Nhưng ngày kia bữa nọ, nhất là ngày tết, mấy chị gái kiểu gì cũng cho vài trăm bánh ăn tết và đãi khách. 
Với tôi bánh bể, nắng nắng hay bánh sấy không thành vấn đề, quan trọng là mình ăn trong tâm thế vui vẻ, sẻ chia, nghĩa tình, hiểu được cái nhọc nhằn, một nắng hai sương của người làm ra chiếc bánh tráng sẽ tăng thêm cảm vị món ăn mộc mạc quê nhà.
Tết này tôi lại ăn cái bánh trắng "nửa nắng"!
Trần Quới (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Tết của ai?

Tết của ai?

Tiêu đề nghe buồn cười và có vẻ thừa? Không hẳn. Cứ nghĩ là chuyện đơn giản, ai cũng biết, nhưng không phải vậy.
Tết Hà Nội xưa

Tết Hà Nội xưa

Những hình ảnh về không khí Tết ở Thủ đô cách đây hơn 4 thập kỷ đang được trưng bày tại Trung tâm triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam.