Cho con tự tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một ngày, đi làm về tôi thấy em gái ngồi co mình trên sofa, ôm gối khóc nức nở. Em bảo quá mệt mỏi trong việc học hành và khổ sở trong các mối quan hệ; mọi chuyện xảy ra rất lâu rồi, nhưng em không có ai để chia sẻ. Kể cả tôi, nếu không hỏi đến thì em cũng không nói. “Em không có bạn. Từ nhỏ đã không có bạn, vì tự ti”, câu nói nghẹn ngào trong nước mắt làm tôi giật mình. 
Mẹ đồng hành con trên hành trình trưởng thành
Mẹ đồng hành con trên hành trình trưởng thành
Tôi gợi chuyện, kể rằng từ nhỏ tôi cũng tự ti vì những người hàng xóm luôn chê bai tôi xấu xí, đen đúa, mặc thì toàn đồ cũ của người khác cho. Em ôm chiếc gối chặt hơn, nấc lên: “Không phải vì hàng xóm. Là vì mẹ”. 
Và em kể. Hồi ấy em còn nhỏ, hay theo mẹ qua bên nhà ngoại. Mẹ lúc nào cũng cóm róm, tự ti, tự hạ mình trước bà ngoại và các cậu, nên lúc ấy dù mới 4-5 tuổi, em đã tự thấy mình thấp kém hơn những đứa anh em họ khác con nhà các cậu. Tôi nhớ lại thì chính xác là như vậy. Bà ngoại sinh được 10 người con, ai cũng “có lương”, làm việc trong các cơ quan nhà nước, hoặc các xí nghiệp ngoài thị xã. Chỉ riêng mẹ làm ruộng, lấy bố tôi cũng làm ruộng, lại sinh một lúc 4 đứa con nên kinh tế gia đình eo hẹp, hay phải cậy nhờ bà và các cậu giúp mỗi khi khó khăn. Bà và các cậu cho quà bánh, mẹ cũng hay cầm về cho mấy đứa tôi ăn. Nhưng cũng vì thế mà sự đối xử giữa chúng tôi với những đứa cháu còn lại cũng có đôi chút phân biệt. Tôi còn nhớ, khi mẹ sinh em gái tôi, các cậu đã than thở với tôi - một đứa trẻ 7 tuổi, rằng mẹ mày hà tiện quá mức, ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu, để chúng mày khổ thế này. Đã vậy còn đẻ cho lắm vào rồi kêu khổ.
“Hồi ở trường mẫu giáo. Mợ Xuân là cô giáo hay kêu thằng Tùng ra chơi riêng, hay đưa quà bánh cho ăn. Nó là cháu, em cũng là cháu của mợ, nhưng mợ không bao giờ nhìn đến em. Lúc đó, em đã nghĩ là tại nhà mình nghèo nên không đáng được quan tâm”, em tôi kể. Em giải thích, sau này lớn lên, dù biết các cậu và bà ngoại rất tốt nhưng em luôn thấy tự ti và lạc lõng, những dịp giỗ chạp bên ngoại, em cũng sợ không muốn tới. 
Tôi nhớ lại, mình cũng đã từng trải qua những chuyện y như vậy. Nhưng vì tôi học rất giỏi, nên có chút tự tin hơn, bớt bị “coi thường”. Tính tôi lại hay nghĩ tốt cho người khác, sau này lớn, nghĩ rằng họ hàng nói là vậy nhưng đều muốn tốt cho gia đình mình, nên tôi không buồn. Nhưng tôi lại tự ti vì những lý do khác, mà rất nhiều trong số đó bắt nguồn từ mẹ tôi. Đúng là nhà tôi rất nghèo, nên mẹ luôn càm ràm mỗi khi bố hay chúng tôi giao thiệp với nhiều bạn bè; hoặc đi dự sinh nhật bạn. Dù tôi cũng tiết kiệm, chỉ tự tay làm tấm thiệp tặng bạn, hoặc mua tặng cây bút, cuốn sổ vài ngàn đồng, nhưng mẹ cứ nói miết, như tôi là đứa phá hoại, phung phí lắm. Do vậy mà tôi cũng ít bạn. Bây giờ bạn bè đưa hình ảnh kỷ niệm thời đi học lên Facebook, hầu như không tấm hình nào có mặt tôi. Vì ngày đó, mẹ tôi cho rằng chụp hình là đua đòi, chả được tích sự gì. 
Tôi chợt nhận ra, cung cách ứng xử của người mẹ có ảnh hưởng lớn đến tâm tư và tính cách những đứa con sau này như thế nào. Tôi thừa hưởng từ mẹ tôi cái tính dịu dàng, nhẫn nhịn, thương người khó, tiết kiệm, biết vun vén cho gia đình. Nhưng cái tính tự ti, mặc cảm, hay suy nghĩ tiêu cực của mẹ đã ảnh hưởng lớn đến tất cả những đứa con trong nhà. Rồi tùy vào sự học hỏi và khả năng cảm nhận của riêng mình, chúng tôi từ từ phát triển dựa trên những nền tảng đầu tiên mẹ đã xây dựng. Tôi đã phải cố gắng rất nhiều để hạn chế bớt những tính cách tiêu cực này, dù đó không phải việc dễ dàng. Như em tôi, nó vẫn đang chìm vào trong đó mà chưa thực sự thoát ra được. 
Tôi không trách mẹ. Tôi thương mẹ một đời quá vất vả, lo cho chúng tôi nên quên cả bản thân mình. Từ bé tới giờ, tôi không thấy mẹ có người bạn nào. Để chúng tôi được ăn học đầy đủ, mẹ thậm chí chưa bao giờ tự mua quần áo mới cho mình. Tất cả áo quần của mẹ đều là đồ cũ từ các bác, các mợ cho. Mẹ thương chúng tôi là điều không phải bàn cãi. Nhưng rõ ràng, khiến con tự ti, mặc cảm, hạn chế quan hệ bạn bè không phải là điều tốt. Ai cũng thương con, nhưng sẽ thật tốt nếu người mẹ trao cho con mình sự tự tin và thái độ sống tích cực. Tôi coi đó là bài học cho riêng mình sau này.
Theo KHÁNH TƯỜNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.