Chính phủ thảo luận 7 dự án Luật, Pháp lệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tiếp tục chương trình phiên họp thường kỳ tháng 1-2013, sáng 30-1, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã thảo luận, đóng góp ý kiến về 7 dự án Luật, Pháp lệnh.

Cụ thể, 7 dự án Luật, Pháp lệnh là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Tiếp công dân; Pháp lệnh công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

 

 

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi 48/103 điều, từ Chương I đến Chương IV) tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Ngoài ra, có sự sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan tới nguyên tắc khen thưởng, thẩm quyền ban hành hình thức thi đua, khen thưởng và thủ tục hồ sơ xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.

Dự án luật này nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng hiện nay.

Các thành viên Chính phủ đã tập trung đóng góp ý kiến về tiêu chuẩn danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng; việc bổ sung thẩm quyền của cấp tổng cục, quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng… được ban hành cờ thi đua và bằng khen; việc bổ sung hình thức khen thưởng cấp Nhà nước là “Huy chương Thanh niên xung phong kháng chiến” để tặng cho đối tượng là Thanh niên xung phong có quá trình cống hiến trong 2 cuộc kháng chiến;…

Nội dung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy (có 12 điểm trong số 65 điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy được sửa đổi, bổ sung) tập trung vào các vấn đề lớn như đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác phòng cháy chữa cháy; bổ sung một số loại hình công trình mới xuất hiện ở Việt Nam có nguy cơ cháy, nổ cao; luật hóa một số quy định về nhiệm vụ cụ thể của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy; quy định về kinh phí cho công tác phòng cháy chữa cháy cơ sở và bổ sung chế độ hỗ trợ cho lực lượng dân phòng.

Dự án Luật này đã được Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công an lựa chọn và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép gửi Phiếu xin ý kiến của các thành viên Chính phủ về 3 vấn đề quan trọng thuộc nội dung của dự án Luật còn có ý kiến khác nhau là: bổ sung quy định thu phí kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ cháy nổ cao; kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở; chế độ hỗ trợ thường xuyên cho đội ngũ đội viên dân phòng ở cơ sở. Tính đến hết ngày 29-1, Văn phòng Chính phủ đã nhận được ý kiến của 22/27 thành viên Chính phủ.

Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các thành viên Chính phủ cho rằng, dự án Luật đã tập trung vào giải quyết những vướng mắc, bất hợp lý của luật hiện hành; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, không có những sửa đổi làm tăng thêm gánh nặng thuế hay tăng các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp; giữ vững các nguyên tắc cũng như mục tiêu dài hạn của luật. Đồng thời, bảo đảm hài hòa giữa thu ngân sách với khuyến khích đầu tư phát triển, có chú ý đến khía cạnh giảm số thu ngân sách, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước trong những năm tới.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đây là Luật có tác động rất lớn đến xã hội và đối với hoạt động thu hút và thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước. Dự án Luật phải đưa ra những ưu đãi để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa nhất là thu hút đầu tư vào những lĩnh vực mong muốn, phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế,…

Mức thuế suất phổ thông; quy định khống chế lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu; ưu đãi thuế suất đối với đầu tư mở rộng; ưu đãi đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… là những vấn đề lớn được các thành viên Chính phủ tập trung tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến đối với dự án Luật này.

Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng đã làm rõ hơn một số quy định của Luật hiện hành hoặc bổ sung những vấn đề mới phát sinh, bảo đảm việc tính thuế, nộp thuế phù hợp với thực tiễn; giảm thủ tục cho doanh nghiệp, giảm chi phí quản lý thuế; đồng thời bảo đảm sự đồng bộ với các luật, pháp lệnh được ban hành trong những năm gần đây.

Thảo luận về dự thảo Luật này, các thành viên Chính phủ đã tập trung vào 2 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau là: đối tượng không chịu thuế (khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật) và việc nâng mức thuế tối thiểu được hoàn đối với đầu tư và xuất khẩu (khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật).

Về đối tượng không chịu thuế (khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật), nhiều ý kiến đồng ý với quy định của dự thảo Luật là chuyển dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế và áp dụng thuế suất 10%; cho rằng quy định như vậy sẽ đảm bảo cho các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp các dịch vụ phục vụ cộng đồng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư hạch toán đầy đủ chi phí. Tuy nhiên, ý kiến của một số thành viên Chính phủ đề xuất cần cân nhắc áp dụng thuế suất 10% hay 5%.

Việc nâng mức thuế tối thiểu được hoàn đối với đầu tư và xuất khẩu, đa số ý kiến của các thành viên Chính phủ đồng ý với dự thảo Luật là nâng mức tiền thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế từ 200 triệu đồng lên 500 triệu đồng trong trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư kéo dài trên 1 năm, vì quy định này phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, do mức tiền thuế đầu vào tối thiểu 200 triệu đồng được quy định từ năm 2000, đến nay đã qua 12 năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng khá cao…

Ngoài ra, các thành viên Chính phủ cũng đóng góp các ý kiến liên quan đến việc nâng thời hạn kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; ngưỡng đăng ký thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ…

Với 10 chương, 73 điều, dự án Luật Tiếp công dân đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện tiếp công dân. Dự án Luật cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động tiếp công dân và trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan của Đảng, cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp,… nhằm đảm bảo sự thống nhất, toàn diện về hoạt động tiếp công dân.

Đề cập đến các nội dung còn có ý kiến khác nhau về tư cách pháp lý của Ban tiếp công dân, có ý kiến cho rằng việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân cần bố trí các điều kiện đảm bảo về bộ máy, biên chế để giúp thủ trưởng tổ chức thực hiện việc tiếp công dân hiệu quả, tránh hình thức là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật không nên quy định cụ thể về thành lập tổ chức, tên gọi và mô hình tổ chức, cơ cấu tổ chức của bộ phận thực hiện tiếp công dân, bởi nếu quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của Ban tiếp công dân như vậy là đã chuyển giao trách nhiệm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cho các Ban này.

Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng đóng góp các ý kiến liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; việc tiếp nhận, xử lý trường hợp nhiều người kiến nghị, phản ánh cùng một nội dung.

Với kết cấu 5 Chương, 30 Điều, nội dung dự án Pháp lệnh công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương đã quán triệt và thể chế hóa các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về công tác quốc phòng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của các luật, pháp lệnh hiện hành về lĩnh vực quốc phòng.

Dự án Pháp lệnh đã được Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Quốc phòng chọn ra 2 vấn đề còn có ý kiến khác nhau (về tên của Pháp lệnh và thầm quyền của Bộ Tư lệnh Quân khu với UBND cấp tỉnh), đã trình và được Thủ tướng cho phép gửi phiếu xin ý kiến của các thành viên Chính phủ; tới nay Văn phòng Chính phủ đã nhận được ý kiến của 23/27 thành viên Chính phủ về các nội dung xin ý kiến nêu trên.

Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có 2 điều, gồm điều 1 là các nội dung sửa đổi Pháp lệnh hiện hành liên quan đến tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp,… và điều 2 là hiệu lực thi hành.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, sớm hoàn thiện các dự án Luật để trình Quốc hội.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

(GLO)- Công an huyện Đức Cơ vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, ký cam kết chấp hành các quy định về pháp luật trật tự an toàn giao thông đối với các chủ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải, cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đăng Vũ

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng các cấp

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị giao ban trực tuyến các cơ quan khối Đảng tỉnh và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy diễn ra vào chiều 4-12.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

(GLO)- Sáng 3-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì hội nghị giao ban khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý IV-2024, định hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm quý I-2025.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VĨNH HOÀNG

Không để lọt vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh Gia Lai tại hội nghị tổng kết công tác PCTN, tiêu cực năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra chiều 2-12.