Niềm vui từ thủy lợi Tầu Dầu 2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến nay, công trình thủy lợi Tầu Dầu 2 đã hoàn thành giai đoạn 1, đưa nước từ hệ thống kênh chính đến các cánh đồng, giúp bà con nông dân trên địa bàn huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) có điều kiện thâm canh, mở rộng diện tích sản xuất.

Cuối năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án công trình hồ chứa nước Tầu Dầu 2 trên địa bàn huyện Đak Pơ. Đến tháng 8-2019, dự án được khởi công với tổng kinh phí đầu tư gần 197 tỷ đồng. Theo thiết kế, hồ chứa nước Tầu Dầu 2 có dung tích khoảng 3,1 triệu m3, hệ thống tuyến chính với chiều dài hơn 6,3 km và tuyến nhánh N1 dài hơn 6 km. Công trình hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới chủ động cho khoảng 555 ha đất canh tác vùng dự án (150 ha lúa nước 2 vụ, 405 ha cây hoa màu và cây công nghiệp) và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho khoảng 7.500 người dân. Mục tiêu của công trình là góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, điều tiết nước tưới để giảm lũ cho hạ du, kết hợp nuôi trồng thủy sản, cải tạo môi trường sinh thái, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội huyện Đak Pơ.

  Người dân huyện Đak Pơ sản xuất rau xanh. Ảnh: Lê Nam
Người dân huyện Đak Pơ sản xuất rau xanh. Ảnh: Lê Nam


Cuối năm 2021, hệ thống kênh chính của thủy lợi Tầu Dầu 2 hoàn thành và dẫn nước về cánh đồng, giúp cho người dân các xã Tân An và Cư An mở rộng diện tích sản xuất, nhất là chuyển sang làm lúa nước 2 vụ. Ông Đặng Tấn Hiệp (thôn Tân Định, xã Tân An) cho biết: Trước đây, cánh đồng lúa ở thôn hầu hết chỉ canh tác được 1 vụ do không chủ động được nguồn nước. “Nhà tôi có hơn 2 sào ruộng nhưng mỗi năm chỉ làm được lúa vụ chính, còn vụ Đông Xuân bỏ không. Từ khi có nước của thủy lợi Tầu Dầu 2 về thì đã làm thêm được vụ Đông Xuân. Mặc dù chưa có hệ thống kênh nhánh để đưa nước đến chân ruộng nhưng trước mắt có đủ nước đảm bảo đến cánh đồng nên bà con ai cũng mừng”-ông Hiệp vui vẻ nói. Còn ông Phan Đình Phùng (thôn Tân Sơn) thì cho hay: “Gia đình tôi có 1 ha đất đang trồng rau, bắp và trồng cỏ để nuôi bò. Hiện tại, tôi phải dùng máy bơm đưa nước từ kênh chính về tưới cho cây trồng. Mong Nhà nước quan tâm sớm đầu tư kênh nhánh để bà con giảm bớt chi phí bơm nước tưới”.

Hiện tại, hệ thống kênh chính của thủy lợi Tầu Dầu 2 đã cung cấp nước tưới cho khoảng 150 ha cây trồng ở xã Tân An, 50 ha ở xã Cư An. Ông Lê Kim Ngọc-Chủ tịch UBND xã Tân An-cho biết: Từ khi có nước từ công trình thủy lợi Tầu Dầu 2, người dân đã chuyển nhiều diện tích lúa 1 vụ thành 2 vụ, tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho bà con. Cùng với đó, bà con đã tận dụng nguồn nước để mở rộng thêm diện tích cho cây rau màu.

Huyện Đak Pơ có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 24.070 ha. Trên địa bàn huyện hiện có 16 hồ chứa (2 hồ chứa loại lớn, 14 hồ chứa loại nhỏ), 2 trạm bơm điện, 2 đập dâng và nhiều ao, bàu, đập khác. Tổng diện tích tưới theo thiết kế của các công trình thủy lợi là gần 500 ha cây trồng các loại. Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Hiện tại, công trình thủy lợi Tầu Dầu 2 cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1, nguồn nước từ hệ thống kênh chính dẫn về các cánh đồng đã giúp người dân xã Tân An và Cư An mở rộng diện tích canh tác.

“Thời gian tới, khi hệ thống kênh nhánh được đầu tư thì bà con sẽ có điều kiện chuyển những diện tích kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập. Về phía huyện cũng đề nghị UBND tỉnh sớm phân bổ kinh phí để triển khai thi công tuyến kênh nhánh với chiều dài khoảng 19 km để đưa nước đến các chân ruộng. Ngoài ra, UBND tỉnh đã có quyết định đầu tư cho huyện sửa chữa, nâng cấp 2 công trình thủy lợi Ta Ly 1 và Ta Ly 2 với tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Khi 2 công trình này hoàn thành sẽ giúp địa phương mở rộng diện tích tưới cho cây trồng, tăng diện tích lúa 2 vụ khoảng 100 ha”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin thêm.
 

 LÊ NAM

 

Có thể bạn quan tâm

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.