Rà soát, quy hoạch để phát triển rừng bền vững - Kỳ cuối: Cơ hội phát triển kinh tế lâm nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên cơ sở kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030


Siết chặt công tác quản lý

Vừa nhận bàn giao kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho hay: Sau khi rà soát, tổng diện tích đất lâm nghiệp của huyện là 102.462 ha, so với Nghị quyết số 100/NQ-HĐND thì tổng diện tích 3 loại rừng tăng lên 2.071 ha. Tuy nhiên, trong 90.654 ha quy hoạch rừng sản xuất thì có đến 15.000 ha bị người dân lấn chiếm canh tác lâu năm. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo lực lượng chức năng, UBND các xã và chủ rừng tập trung bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, trong đó nhiệm vụ quan trọng là phải giữ bằng được rừng tự nhiên. Muốn làm được điều này phải xử lý dứt điểm các đối tượng phá rừng và siết chặt quản lý, không để người dân lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy.

 Nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mang Yang chuẩn bị cây giống để trồng rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mang Yang chuẩn bị cây giống để trồng rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp


Cùng với các giải pháp ngăn chặn hành vi phá rừng, huyện Krông Pa cũng đang triển khai giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, đặc biệt là giao cho cá nhân để bảo vệ rừng tốt hơn. Ngoài công tác bảo vệ, địa phương cũng xác định nhiệm vụ trồng rừng là hết sức quan trọng. “Đối với những diện tích thuộc quy hoạch trồng rừng đang bị người dân lấn chiếm canh tác nông nghiệp thì yêu cầu chuyển dần sang trồng rừng hoặc cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp, nếu không sẽ thu hồi để phát triển rừng trồng. Những diện tích rừng nghèo, đất lâm nghiệp chưa có rừng, chủ trương của huyện là kêu gọi doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư trồng rừng”-ông Thảo thông tin.  

Ông Nguyễn Đức Nguyên-Chủ tịch UBND xã Uar (huyện Krông Pa) cũng khẳng định: Việc rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng giúp địa phương xác định rõ diện tích đất lâm nghiệp và đất sản xuất của người dân. Riêng đối với diện tích đất lâm nghiệp cũng phân định rõ từng loại rừng, giúp chính quyền địa phương xác định được đâu là khu vực rừng tự nhiên, rừng giàu để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và thực hiện khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc đối với diện tích rừng nghèo. Xã cũng đã tham mưu giúp UBND huyện lập danh sách cá nhân, cộng đồng có nhu cầu giao đất, giao rừng để quản lý, bảo vệ tốt hơn.

Theo quan điểm của ông Trương Thanh Hà-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, việc bổ sung thêm một số diện tích rừng đặc dụng, chuyển rừng sản xuất sang chức năng phòng hộ cũng là tiền đề quan trọng để UNESCO công nhận cao nguyên Kon Hà Nừng là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; đồng thời góp phần quan trọng giúp huyện bảo tồn và phát huy các thế mạnh về rừng gắn với phát huy các giá trị văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, rừng đặc dụng còn thu hút các nhà khoa học đến nghiên cứu, giúp địa phương bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên và các giá trị đa dạng sinh học. “Do vậy, giữ được vốn rừng, phát triển rừng thông qua việc khoán quản lý, bảo vệ rừng, các chương trình lâm nghiệp như đầu tư trồng rừng, cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp sẽ góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Việc bổ sung một số diện tích đất nông nghiệp vào quy hoạch đất lâm nghiệp do xã quản lý là cơ sở để giao khoán quản lý, bảo vệ rừng hoặc giao đất lâm nghiệp cho người dân trồng rừng và thụ hưởng các chính sách ưu đãi”-ông Hà nêu giải pháp.

Phát triển lâm nghiệp bền vững

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Thưởng-Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh-cho hay: Qua hơn 9 năm triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ thu được hơn 793,8 tỷ đồng và chi trả cho các bên cung ứng 708,8 tỷ đồng. Việc công bố kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng là cơ sở để Quỹ triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. “Đây cũng là nguồn lực tài chính quan trọng giúp các chủ rừng chi cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời triển khai, mở rộng diện tích khoán cho người dân hưởng lợi. Mức chi trả bình quân 4-6 triệu đồng/hộ/năm đã góp phần bổ sung thu nhập, cải thiện đời sống cho 12.170 hộ dân tham gia bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng”-ông Thưởng thông tin.

 

  Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Minh Nguyễn
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Minh Nguyễn


Xung quanh vấn đề phát triển lâm nghiệp bền vững, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-nhìn nhận: So với Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 4-2-2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả điều chỉnh 3 loại rừng thì Nghị quyết số 100/NQ-HĐND cũng đã đưa ra khỏi quy hoạch 130.392 ha để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp. Kết quả rà soát quy hoạch lần này cũng đưa 18.000 ha (gồm ruộng lúa, rẫy cà phê, khu dân cư) phù hợp mục tiêu phát triển nông nghiệp, giải quyết sinh kế cho người dân và được Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho rằng: Việc rà soát, quy hoạch 3 loại rừng là cơ sở tìm ra quỹ đất trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp. Do vậy, phải nhanh chóng tạo mọi điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về đất đai để liên kết trồng hoặc tham gia hợp tác chuyển đổi rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Tiếp tục thực hiện chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp, người dân liên kết để triển khai các dự án trồng rừng sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với nhà máy chế biến gỗ. Cụ thể, công tác trồng rừng đến năm 2025 đạt 40.000 ha, trong đó có ít nhất 10.000 ha rừng gỗ lớn, cùng với đó là thực hiện chuyển hóa 15.000 ha rừng gỗ nhỏ thành gỗ lớn. Đến năm 2030, tiếp tục thực hiện mục tiêu trồng 40.000 ha rừng, trong đó ít nhất 15.000 ha rừng gỗ lớn và chuyển hóa 15.000 ha gỗ nhỏ thành gỗ lớn.

 Lực lượng Kiểm lâm huyện Ia Grai đi tuần tra, bảo vệ rừng (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Minh Nguyễn
Lực lượng Kiểm lâm huyện Ia Grai tuần tra, bảo vệ rừng (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Minh Nguyễn


Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững là phân định ranh giới, tổ chức quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích 645.370 rừng hiện có, nhất là rừng tự nhiên. Đối với rừng sản xuất thì rà soát, điều chỉnh theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và phát triển hệ thống rừng trồng gỗ lớn có năng suất, chất lượng cao. Hướng đến mục tiêu khai thác lâm sản trong rừng trồng đến năm 2025 đạt 1 triệu m3 và giai đoạn 2025-2030 đạt 1,7 triệu m3. Đồng thời, bố trí cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản ứng dụng công nghệ hiện đại đảm bảo năng suất 450.000 m3/năm đến 750.000 m3/năm.

“Trước mắt, chúng ta cần ưu tiên triển khai phát triển các dự án trồng rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng gắn với tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện giao đất giao rừng, cho thuê đất, thuê rừng cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức trên diện tích quy hoạch lâm nghiệp do UBND cấp xã quản lý, đảm bảo diện tích rừng có chủ thật sự. Hướng tới mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 100% (tương đương 211.235 ha) việc giao đất giao rừng, cho thuê đất rừng cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa người trồng rừng và doanh nghiệp thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác; mô hình nông-lâm kết hợp, trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu giá trị cao, phấn đấu đến năm 2030 trồng được 11.300 ha dược liệu dưới tán rừng”-ông Nghĩa đề xuất  

 

 MINH NGUYỄN - LÊ NAM
 

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.