Hiệu quả từ các mô hình chuyển đổi cây trồng ở Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kbang là huyện có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên 184.186 ha, trong đó đất nông nghiệp 162.680 ha, chiếm 88,32%. Những năm qua, bên cạnh đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trang-thiết bị máy móc, triển khai nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần đưa kinh tế huyện phát triển nhanh và bền vững.

Ảnh: Ngọc Minh
Ảnh: Ngọc Minh

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, trong 3 năm (từ năm 2012-2014), huyện đã triển khai 18 mô hình khuyến nông về trồng trọt với tổng kinh phí hỗ trợ, đầu tư trên 9 tỷ đồng. Đến nay, các mô hình nói trên đều được nông dân trong huyện tích cực tham gia và đã cho những kết quả khả quan. Điển hình là các mô hình về trồng mía, như: mô hình thâm canh giống mía mới Thái Lan K88-92 trên diện tích 10,46 ha của 52 hộ dân 3 xã: Lơ Ku, Tơ Tung và Nghĩa An, đến nay đã cho năng suất 90-100 tấn/ha; mô hình cánh đồng mía mẫu lớn được thực hiện năm 2012-2013 trên diện tích 30,5 ha của người dân xã Đak Hlơ và một số xã khác trên địa bàn cho năng suất trên 100 tấn/ha.

Tham gia mô hình cánh đồng mía mẫu lớn, ông Nguyễn Văn Quy (thôn Zi Lao, xã Kông Pla) chia sẻ: “Theo chủ trương của huyện, xã, tôi cùng một số hộ dồn thửa được 30 ha làm mía cánh đồng mẫu lớn. Được Nhà máy Đường An Khê đầu tư công cày, phân, giống (trên 20 triệu đồng/ha) và đưa cơ giới vào sản xuất, áp dụng kỹ thuật mới vào chăm sóc nên sản lượng tăng hơn trước khoảng 15 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận tăng trên 10 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, nhà máy ký kết bao tiêu sản phẩm nên bà con không còn lo lắng cho việc tìm phiếu đốn, tình trạng mía bị đốt cháy cũng không còn nên bà con rất phấn khởi khi tham gia mô hình này”.

Ngoài mía, mô hình trồng cam đường ở xã Sơn Lang được triển khai trong những năm gần đây cũng đã mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế cho người dân trên địa bàn. Anh Dương Hữu Thảnh (thôn 2, xã Sơn Lang)-một trong các hộ có mô hình trồng cam có hiệu quả, vui vẻ cho hay: Trước đây, gia đình có trên 3 ha cà phê già cỗi nên cho năng suất chẳng bao nhiêu. Khi tìm hiểu về thị trường và học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cam, tôi quyết định chuyển 1,5 ha cà phê già cỗi sang trồng cam đường, quýt và đến nay đều đã cho thu nhập cao, trên 300 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, các mô hình trồng rau bắp sú theo hướng VietGAP được thực hiện trên diện tích 1 ha của 10 hộ tại thị trấn đã cho năng suất 39,726 tấn/ha, lợi nhuận chênh lệch sau áp dụng trên 22 triệu đồng/ha; mô hình mì xen đậu phụng diện tích 1 ha, lợi nhuận thu được theo cách làm mới tăng cao; các mô hình về trồng sa nhân tím ở xã Sơn Lang; mô hình nông lâm kết hợp trên đất dốc tại xã Krong; trồng xen cây đậu phụng dưới tán cây cao su, trồng cây cao su tiểu điền, cây mắc ca, cây cà phê tái canh với diện tích trên 200 ha được triển khai ở các xã: Krong, Sơ Pai, Sơn Lang, Đak Rong và Kon Pne... cũng đã cho kết quả khả quan, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn.

Ông Đoàn Thanh Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc thử nghiệm đưa vào các mô hình sản xuất mới trong những năm qua đã không chỉ mang lại năng suất, lợi nhuận cao trên cùng một diện tích mà còn tạo được sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức của người dân trong sản xuất, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, giai đoạn 2016-2020, huyện sẽ tiếp tục chuyển đổi những diện tích trồng lúa bị hạn và diện tích mía trên địa bàn một số xã trồng vượt quy hoạch sang trồng các loại cây hàng năm có hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng một số mô hình đã cho hiệu quả để tăng năng suất, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.