Gia Lai: Doanh nghiệp vận tải khách chật vật trong đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Về bờ” là từ khá hóm hỉnh của các nhà đầu tư với dụng ý chỉ cảnh thoát lỗ, huề vốn ban đầu. Trước 4 đợt dịch Covid-19 thời gian qua, khái niệm “về bờ” cũng là mong ước của các doanh nghiệp vận tải khách.

Khốn đốn vì dịch bệnh

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, các doanh nghiệp vận tải khách đã lập tức “chịu đòn”. Ông Nguyễn Hồng Hải-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hồng Hải-kể: “Lần đầu tiên trong lịch sử, ngành vận tải khách đón một mùa vận tải Tết lao đao, hỗn độn đến như thế. Thông thường, bắt đầu từ mùng 4 Tết Nguyên đán là “mùa vàng” của doanh nghiệp vận tải khách sau Tết, nhà xe phải quay đầu liên tục để giải tỏa khách. Nhưng Tết năm đó, liên tiếp là cảnh hành khách hủy vé, đổi chuyến và sau đó là dừng hẳn. Mất một khoảng thời gian dài sau đó, dịch bệnh mới được kiểm soát, người dân dần khôi phục việc đi lại”.

 Hiện mỗi ngày tại Bến xe Đức Long Gia Lai có rất ít phương tiện đăng ký xuất bến. Ảnh: Lê Hòa
Hiện mỗi ngày, tại Bến xe Đức Long Gia Lai có rất ít phương tiện đăng ký xuất bến. Ảnh: Lê Hòa



Đợt dịch thứ 2 khởi đầu từ ổ dịch Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng với cự ly gần hơn, lại rơi vào một trong những tuyến vận tải khách quan trọng nên doanh nghiệp vận tải Gia Lai thêm một lần... xây xẩm. Đợt dịch thứ 3 liên quan ổ dịch tại Hải Dương, Gia Lai lần đầu ghi nhận các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đợt dịch này lại đúng thời điểm Tết Nguyên đán 2021. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải khi ấy đang trông chờ vào mùa Tết để bù lại 1 năm chật vật thì lại đối mặt với “con sóng” to và mạnh hơn. Hiện nay, cả nước đang trải qua đợt dịch Covid-19 thứ 4, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1 ca dương tính. Trước diễn biến khó lường của đợt dịch này, hầu hết các tuyến vận tải khách liên tỉnh đã phải tạm dừng hoạt động để phòng-chống dịch. “4 cơn sóng cứ nhằm “mùa vụ” mà đánh thì khỏe cỡ mấy doanh nghiệp cũng chật vật”-ông Hải chia sẻ. Cũng theo ông Hải, cứ mỗi năm trôi qua, trung bình khấu hao tài sản đối với 1 chiếc xe ô tô khách là khoảng 20%, trong khi vốn đầu tư lên đến 3-4 tỷ đồng/xe. Doanh nghiệp sử dụng vốn vay để đầu tư mua sắm sẽ càng khó khi doanh thu chỉ ở mức trung bình hoặc thấp. Ngần ấy phép tính đủ để thấy doanh nghiệp vận tải khách khó khăn như thế nào suốt hơn một năm vừa qua.

Mong sớm khống chế dịch bệnh

Ông Đặng Văn Hiền-Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải và Du lịch Thuận Tiến Gia Lai-bày tỏ: “Thuận Tiến hiện có 30 xe chở khách loại 20-32-45 giường nằm, chưa kể xe trung chuyển. Về nhân sự có khoảng 200 người bao gồm: quản lý, nhân viên, lái xe, bán vé… Áp lực chi phí duy trì các khoản chi trả cố định hàng tháng của doanh nghiệp là rất lớn, chưa kể các khoản lệ phí, thuế, nhiên liệu hay các nguồn vốn vay. Bởi vậy, để bảo đảm cân đối được các khoản là rất khó. Từ cuối tháng 4, khi dịch bệnh xuất hiện trở lại, nhà xe cũng phải lần lượt cắt giảm số chuyến và hiện nay cơ bản là ngừng hết, đợi tình hình ổn định hơn mới khôi phục hoạt động”.

Băng rôn nhắc nhở người dân chấp hành việc đeo khẩu trang khi vào Bến xe Đức Long Gia Lai. Ảnh: Lê Hòa
Băng rôn nhắc nhở người dân chấp hành việc đeo khẩu trang khi vào Bến xe Đức Long Gia Lai. Ảnh: Lê Hòa

Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Gia Lai đã ban hành công văn tạm dừng hoạt động vận tải khách đi/đến các tỉnh, thành và một số địa phương thuộc 11 tỉnh, thành có ghi nhận dịch Covid-19 gồm: Nam Định, Hà Nam, Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương, Thái Bình, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bắc Ninh, Bắc Giang.
 

Ở loại hình dịch vụ vận tải taxi, nhiều chủ xe hợp đồng theo hình thức nhượng quyền đã báo tạm dừng vì tiền chạy mỗi ngày không đủ công. Bà Trần Thị Ánh-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Gia Lai-cho hay: “Khách ngoài tỉnh di chuyển về giảm mạnh cũng kéo giảm rất mạnh doanh số của Công ty. Chưa kể người dân hạn chế đi lại vừa để chống dịch, vừa tiết kiệm chi tiêu. Ước tính doanh số hiện tại đã giảm khoảng 60-65% so với trước khi có dịch quay trở lại”.

Lượng xe ra vào bến cũng giảm xuống mức rất thấp. Theo ông Nguyễn Tường Cọt-Giám đốc Bến xe Đức Long Gia Lai, mỗi ngày chỉ còn khoảng 40 phương tiện đăng ký xuất bến, chủ yếu là các tuyến cự ly ngắn từ Gia Lai đi Đak Lak, Phú Yên, Bình Định và các tuyến nội tỉnh. “Xe không chạy thì bến bãi cũng khó khăn bởi không có nguồn thu”-ông Cọt chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai, các doanh nghiệp vận tải khách đang tự tìm cho mình những hướng đi mới để ít nhiều tạo ra dòng tiền, giảm bớt áp lực khó khăn. “Dù ít, dù nhiều thì áp lực từ việc “sống hay là chết” sẽ khiến họ phải tìm cách để bật lên, tìm đường tồn tại. Lúc này, nhiệm vụ phòng-chống dịch Covid-19 phải đặt lên cao nhất. Chúng ta làm tốt khâu phòng-chống thì dịch bệnh sẽ dần qua đi, tình hình ổn định trở lại. Lúc ấy, hy vọng sẽ có những trợ lực để doanh nghiệp vực dậy, tài xế, nhân viên sẽ có thu nhập để lo cho gia đình. Mặc dù không dễ “hồi sức” lại ngay như khi chưa có dịch nhưng phải nhìn nhận rằng: Đất nước chúng ta kiểm soát được dịch như vậy đã là hạnh phúc lắm rồi!”-ông Hải nhìn nhận.

 

LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm