Gia Lai: Khó hoàn thành chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 có 7.000 doanh nghiệp nhưng hiện mới chỉ đạt khoảng 5.500. Để hoàn thành mục tiêu trên, trong hơn 1 năm sắp tới, tỉnh cần phát triển thêm khoảng 1.500 doanh nghiệp. Đây rõ ràng là nhiệm vụ không dễ thực hiện.
Tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có gần 4.900 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn gần 90.000 tỷ đồng. Trong số này có 772 doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 (đạt 100,3% kế hoạch) với tổng vốn đăng ký 4.450 tỷ đồng. Thời điểm đó, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 37.000 hộ kinh doanh cá thể có thể phát triển thành doanh nghiệp. Đây chính là cơ sở để tỉnh tự tin về mục tiêu đến năm 2020 có 7.000 doanh nghiệp hoạt động.
Tỉnh tổ chức gặp mặt, đối thoại nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ. Ảnh: H.D
Tỉnh tổ chức gặp mặt, đối thoại nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ. Ảnh: H.D
Thế nhưng, tới thời điểm này, sự lạc quan đó có phần giảm sút khi cùng với việc tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới thì số doanh nghiệp giải thể cũng tăng. Theo tổng hợp của Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), đến đầu tháng 9-2019, toàn tỉnh có 525 doanh nghiệp và 280 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới (tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2018) với tổng vốn đăng ký là 3.465 tỷ đồng. Đồng thời, các đơn vị chức năng cũng xử lý giải thể 49 doanh nghiệp (tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2018), có 103 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng 14,5%). Mặc dù trong thời gian này có 73 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại nhưng hiện toàn tỉnh vẫn mới chỉ có khoảng 5.500 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 93.700 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu có 7.000 doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, trong hơn 1 năm tới, tỉnh cần phát triển thêm khoảng 1.500 doanh nghiệp. Đây là con số không dễ đạt được. Ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận: “Cuối năm 2015, toàn tỉnh có 3.000 doanh nghiệp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tới năm 2020, các tỉnh, thành phải có số lượng doanh nghiệp tăng gấp đôi so với năm 2015, tức Gia Lai phải có khoảng 6.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh đã đặt ra kế hoạch là 7.000 doanh nghiệp để phấn đấu. Song tới cuối năm 2020, chúng ta có thể bị hụt so với mục tiêu khoảng 100-200 doanh nghiệp”.
Về việc phát triển doanh nghiệp, tỉnh ta đang kỳ vọng nhiều vào nguồn phát triển từ các hộ kinh doanh. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Quang-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Đức Cơ: “Hầu hết các hộ kinh doanh không mặn mà với việc phát triển lên doanh nghiệp, mặc dù các đơn vị chức năng đã vận động rất nhiều. Lý do là khi lên doanh nghiệp, họ buộc phải tốn thêm chi phí thuê kế toán, phải có hợp đồng lao động, phải đóng các loại bảo hiểm cho người lao động... Trong khi nếu là hộ kinh doanh, ngoài thuế khoán theo quy định, họ không phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm trên”.
Nói về điều này, ông Phùng Văn Phước cho biết thêm: “Trừ những hộ có nhu cầu phát triển lên doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu, có hướng làm ăn lớn, có nhu cầu xây dựng sở hữu trí tuệ thì các hộ kinh doanh chỉ muốn đi theo cách làm ăn truyền thống. Mặc dù Nhà nước có chính sách khuyến khích dành riêng cho các hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động lên doanh nghiệp như: miễn phí thành lập doanh nghiệp, miễn thuế môn bài 3 năm, hỗ trợ về hạch toán, chế độ sổ sách trong 3 năm đầu hoạt động... nhưng những ưu đãi này thực sự chưa đủ mạnh, chưa đủ hấp dẫn”.
Dẫu số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt hay không đạt chỉ tiêu đề ra thì không thể phủ nhận những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua như ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2022 và kế hoạch hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp mới thành lập. Định kỳ, tỉnh cũng tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp để lãnh đạo tỉnh trao đổi, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Đặc biệt, UBND các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiêu biểu tại địa bàn nhằm khuyến khích, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo các ngành chức năng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập như: ngành Thuế tăng cường gắn kết với các đơn vị đại lý thuế, tư vấn thuế tuyên truyền những chính sách có lợi khi thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ, tư vấn và giúp đỡ doanh nghiệp về chế độ sổ sách kế toán; Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện tất cả các chính sách ưu đãi về tín dụng đối với các doanh nghiệp mới thành lập...
 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm