Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần đẩy mạnh "4 công"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 3.500 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 82.161 tỷ đồng. Mặc dù kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, mức độ đóng góp vào ngân sách nhà nước ngày càng tăng, nhưng nhìn chung doanh nghiệp có tình hình tài chính khiêm tốn, chất lượng nhân lực chưa cao, khả năng phát triển sản phẩm mới và năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Đây là chướng ngại khiến mục tiêu tới năm 2020 phát triển lên 7.000 doanh nghiệp trở thành con số khó đạt.

 Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền.
Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền.

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức buổi làm việc giữa lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương nhằm lấy ý kiến tham gia dự thảo Kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Trong đó, mục tiêu của kế hoạch là sẽ hỗ trợ để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách bền vững, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên cơ sở đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, ưu tiên phát triển các ngành nghề, sản phẩm có giá trị gia tăng cao hoặc doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời cải thiện và tạo điều kiện để doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận các nguồn lực và thị trường, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, phát triển văn hóa kinh doanh và liên kết doanh nghiệp.

Kế hoạch đề ra một số chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp tới năm 2020 như: số lượng doanh nghiệp tăng bình quân 20%/năm; vốn đăng ký tăng bình quân 8-10%/năm; hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 2.000-3.000 lao động; 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các chính sách hỗ trợ về ưu đãi đầu tư và bảo lãnh tín dụng. Theo đó, tới năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 7.000 doanh nghiệp. Trong đó, TP. Pleiku tăng thêm nhiều nhất với khoảng 2.300 doanh nghiệp (hiện có 2.221 doanh nghiệp);  huyện Chư Sê tăng thêm gần 200 doanh nghiệp (hiện có 209 doanh nghiệp); Đak Đoa tăng thêm 120 doanh nghiệp (hiện chỉ có 82 doanh nghiệp)... Các địa phương khác trung bình tăng gấp đôi so với số doanh nghiệp hiện tại. Theo nhận định, đây là chỉ tiêu khó thực hiện đối với các địa phương. Bởi lẽ, khi thành lập, doanh nghiệp phải đầu tư về quy mô hoạt động, đầu tư thiết bị máy móc, phải có hướng kinh doanh mở rộng, trong khi hiện tại phạm vi về thị trường còn nhiều khó khăn, chưa kể sẽ có khá nhiều vấn đề phát sinh như lao động, bảo hiểm, việc thanh-kiểm tra... nên các hộ sản xuất kinh doanh ít mặn mà với việc thành lập doanh nghiệp.

Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất, trong đó chú trọng tới việc quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, quy hoạch khu-cụm công nghiệp, xây dựng hạ tầng khu-cụm công nghiệp, hỗ trợ tín dụng, đào tạo, trợ giúp phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, nâng cao năng lực công nghệ và trình độ kỹ thuật. Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ khá tích cực trong việc xúc tiến mở rộng thị trường, khuyến khích tham gia cung ứng sản phẩm dịch vụ. Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh triển khai rất quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính và được đánh giá khá cao.

Trên thực tế, để triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp thì cần có kinh phí. Tuy nhiên, ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp do các địa phương tự túc. Do vậy, địa phương phải nghiên cứu kỹ chương trình hỗ trợ nào thật cần thiết và thiết thực với doanh nghiệp”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội thì nhận định: “Qua tiếp xúc với doanh nghiệp, tôi thấy những mong muốn của doanh nghiệp tập trung vào “4 công”, là công khai, công bằng, công nghệ và công chức. Trong đó, công khai là công khai, minh bạch những thông tin về quy hoạch, dự án, đất đai... Công bằng là mọi chính sách ưu đãi, hỗ trợ đều phải công bằng với tất cả doanh nghiệp, không kể quy mô, lĩnh vực ngành nghề, tư nhân hay nhà nước. Công nghệ là doanh nghiệp mong được hỗ trợ kiến thức về công nghệ thông tin trong quản lý, kỹ thuật công nghệ cao. Còn công chức tức là đội ngũ cán bộ mà doanh nghiệp tiếp xúc trong quá trình hoạt động phải nhiệt tình, tận tâm và có chuyên môn”.

Hà Duy   

Tại hội nghị sơ kết công tác quý I-2017, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành yêu cầu các địa phương phải tổ chức đối thoại với doanh nghiệp thường xuyên hơn để kết nối doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời hạn chế ảnh hưởng tới việc đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Có thể bạn quan tâm