Nét chữ-nết người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi thích quan sát cách người khác cầm bút, đặc biệt là nhìn chữ của họ. Dù không hẳn “nét chữ-nết người”, song qua từng đường nét, tôi dường như có thể cảm nhận được đôi điều về tâm hồn của người viết.
1. Do đặc thù công việc, tôi thường được tham gia các buổi họp hành, hay chọn ngồi ở vị trí phía sau nên lâu lâu lại quan sát xem người ngồi phía trước đang viết gì trong sổ. Trong một lần giải lao, vị đại biểu nọ ngồi nán lại hội trường, mở chiếc iPad đặt trước mặt rồi vừa nhìn vừa chăm chú chép gì đó vào trong sổ. Những dòng chữ nghiêng nghiêng viết bằng mực xanh đều tăm tắp khiến tôi tò mò. Nhướn người nhìn thật kỹ, tôi chợt bật cười với những gì mình “trộm” đọc được. Vị ấy đang chép lại một đoạn trong kiệt tác Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Mặc dù bối cảnh có chút không phù hợp, song tôi vẫn thấy điều ấy thật dễ thương. Đáng nói hơn, người viết là đàn ông.
Dòng chữ của vị đại biểu ấy khiến tôi nhớ đến những cuốn sổ tay của mình. Từ những năm THCS, không chỉ tôi mà đám con gái trong lớp đều có một cuốn sổ thật đẹp để chép lời bài hát. Vì lẽ đó mà quà sinh nhật tặng nhau cũng thường là sổ tay và bút màu. Ngày ấy, máy tính và internet đều chưa phổ biến. Những bài hát yêu thích được ai đó nghe đi nghe lại nhiều lần, ghi lời ra tờ giấy rồi truyền tay nhau chép lại thật sạch, đẹp vào cuốn sổ, không quên dùng bút màu vẽ thêm hoa văn hay viết tựa đề trang trí. Lên THPT, ngoài sổ chép bài hát, tôi còn có những cuốn sổ chép tay từng câu thơ, câu văn hay của các tác giả văn học trong nhà trường. Đó cũng là những dẫn chứng mà tôi vẫn dùng trong từng bài làm văn ở trên lớp. Sau khi lên đại học, được ba mẹ sắm cho laptop, tôi mới dần quên thói quen chép sổ ấy.
Những cuốn sổ chép tay bài hát, lời thơ từng là kỷ vật quý báu của thuở học trò. Ảnh: Thái Bình
Những cuốn sổ chép tay bài hát, lời thơ từng là kỷ vật quý báu của thuở học trò. Ảnh: Thái Bình
2. Lục lại tài liệu trong chiếc tủ cũ ở nhà mẹ, tôi thật bất ngờ khi nhìn thấy cuốn lưu bút năm lớp 12 của mình. Vẫn nguyên vẹn cảm xúc rưng rưng xen lẫn ngượng ngùng, tôi lật mở từng trang mà gần 40 người bạn cùng lớp lần lượt viết vào. Chữ “g” có nét khuyết dưới kéo dài dài như thế này, nét đậm nét thanh trông thật mềm mại là của Tố Uyên-học giỏi nhất lớp. Chữ “n” mà phình to đến gần nửa ô vở đích thị là chữ của Mạnh “ròm”. Còn đây, những con chữ đều tăm tắp này không ai khác của cô bạn tên Sương-ngồi cạnh tôi suốt 3 năm THPT. Mỗi người một nét chữ, không thể nào lẫn vào nhau. Nhìn từng con chữ cứ như đuổi nhau rầm rập trên trang giấy là biết ngay của Ngọc ở dãy kế bên. Ngọc học giỏi nhất mấy môn tự nhiên, nhưng hấp tấp nên bài kiểm tra ít khi được điểm tối đa. Còn Vy-một cô bạn luôn cẩn thận, kỹ càng, chữ cũng ngay ngắn, rành mạch đến khó tin. Gần 15 năm trôi qua, những cô bé 18 tuổi năm nào giờ đều đã có cuộc sống và sự nghiệp riêng. Chúng tôi chẳng mấy khi gặp lại nhau, nhưng cuốn lưu bút cũ cùng dòng chữ viết tay như đưa tôi về ngồi lại đúng chiếc bàn học năm nào, xung quanh là chúng bạn mỗi đứa một tính cách, một tâm hồn.
Thời của tôi, con gái chữ đẹp là bình thường. Con trai chữ đẹp thì càng đáng ngưỡng mộ. Những lá thư giấu trong ngăn bàn chẳng may có bạn bè tinh nghịch phát hiện trước thì giữa bàn dân thiên hạ, trước khi “công bố” nội dung, thế nào cũng có bạn bĩu môi cười lí lắc: “Eo, chữ thằng này xấu thế” hoặc xuýt xoa: “Chữ đẹp ghê mày”…
3. Cuộc sống ngày càng hiện đại, công nghệ thông tin phát triển cuốn con người vào guồng xoáy nhanh và vội vã. Chẳng còn mấy người có đủ kiên nhẫn cầm bút viết điều gì đó lên trang giấy. Có lẽ bởi thế mà bây giờ, người ta dễ bồi hồi, xuyến xao trước những dòng chữ viết tay nắn nót, mềm mại.
Hè vừa rồi, tôi đăng ký cho con trai một lớp luyện viết chữ. Không mong con viết thật đẹp, tôi chỉ nhờ cô giáo rèn cho con cách cầm bút thật đúng, tư thế ngồi chuẩn, biết viết đúng và rõ ràng. Hơn hết, tôi mong rằng, qua từng nét chữ in lên trang giấy, con sẽ học cho mình đức tính kiên trì, nhẫn nại và cả sự cẩn trọng, dù rằng điều ấy hiện tại với một đứa trẻ 7 tuổi vẫn còn thật lớn lao.
PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.