Cho thuê bằng để...bán thuốc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày này, thời tiết TP. Pleiku thay đổi thất thường khiến mũi tôi cứ sụt sịt, uống thuốc gì cũng không hết, cổ họng thì lúc nào cũng thấy ngưa ngứa. Vì vậy, tôi dự định đến một phòng mạch để kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, ông bạn của tôi tư vấn: “Chuyện gì mà phải đến phòng mạch cho tốn tiền, ông cứ đến nhà thuốc nói triệu chứng và bảo họ bán thuốc nặng đô vào!”.
Nghe vậy, tôi đến một nhà thuốc trên đường Hoàng Văn Thụ. Người đứng quầy là một cô gái khá xinh, mặc áo blouse trắng hỏi tôi: “Anh mua thuốc gì?”. Tôi trả lời là mình bị cảm cúm đã nhiều ngày nay nhưng uống thuốc không khỏi. Xong, cô gái liền hỏi tôi một tràng đại loại: Anh có bị ho không, có sổ mũi không, có nhức đầu không... Sau đó, cô gái lấy thuốc bán cho tôi theo hình thức “bao vây”: vừa đau đầu, vừa sổ mũi, vừa long đàm… để không trúng thứ này sẽ trúng thứ khác mà không cần hỏi tôi có toa thuốc của bác sĩ hay không.
Đem kể lại câu chuyện bán thuốc kháng sinh vô tội vạ thì ông bạn nói ngay: “Úi giời, có gì đâu mà ông phải thắc mắc. Lâu nay không riêng gì thành phố ta mà gần như cả nước này người ta cho thuê bằng kỹ sư để thành lập công ty này, công ty nọ. Nhiều nhà thuốc người ta vẫn thuê bằng dược sĩ để bán thuốc, có gì đâu mà thắc mắc”.
Tôi phân vân: “Dù có thuê bằng nhưng theo quy định mua bất cứ kháng sinh nào cũng phải có toa của bác sĩ mới được bán và ghi vào sổ để theo dõi cơ mà. Tôi đâu có thấy nhà thuốc họ thực hiện”. Thế là ông bạn tôi nói ngay: “Dược sĩ người ta cũng học chuyên ngành thì họ hiểu và cho đúng thuốc, cần gì bác sĩ cho toa thêm phiền phức!”. Đến đây, tôi thắc mắc tiếp: “Nhưng bán thuốc cho tôi không phải là dược sĩ. Theo quy định nhà thuốc phải là dược sĩ đại học. Khi nhà thuốc mở cửa phải có dược sĩ đứng quầy, nếu không sẽ bị phạt đấy ông ạ. Tôi được biết, đứng bán thuốc mà không có dược sĩ là cho thuê bằng và như vậy sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề dược”.
Ông bạn tôi nói ngay: “Ông lạc hậu quá. Nếu rút giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề dược thì thành phố ta chắc không còn mấy nhà thuốc. Khi đến kiểm tra, cơ quan thanh tra y tế họ sẽ lập biên bản: Vắng mặt dược sĩ khi nhà thuốc mở cửa, rồi phạt, rồi... tiếp tục cho kinh doanh!”.
Nghe nói đến đây, tôi giãy nảy: “Bán thuốc chữa bệnh cho người mà sao bàng quan thế ông. Sao tôi thấy cứ lo lo!”. “Vậy, tôi hỏi ông: Ông lo là lo cái gì. Người ta đủ thủ tục pháp lý thì người ta mở nhà thuốc để bán thuốc, còn ai mua thì cứ vào mua có sao đâu”-bạn tôi lớn tiếng. “Tôi hiểu ý ông nhưng ở đây tôi muốn nói là nói thế này này: Họ đủ điều kiện bán thuốc nhưng hành nghề kiểu “điếc không sợ súng”, rồi bán thuốc kiểu “bao vây” nếu chẳng may xảy ra rủi ro thì sao, tính mạng con người chứ có phải rơm rác đâu ông!”.
Nghe đến đây, ông bạn tôi trầm tư: “Ừ, cũng có lý”. Và ông nói tiếp: “Pháp luật quy định điều kiện hành nghề đã rõ mà sao cơ quan quản lý thực hiện không rõ ràng gì nhỉ!”.
 HUỲNH LÊ

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.